Nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức phí, lệ phí
VOV.VN - Quy định mức phí, lệ phí do một số bộ, ngành và địa phương ban hành còn nhiều bất cập nên cần thiết giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm nhiệm.
Sáng 29/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán và Dự án Luật phí, lệ phí. Nội dung thảo luận tập trung vào việc xác định rõ giá trị hợp lý tài sản cố định của cơ quan nhà nước, rà soát, đơn giản hóa danh mục các loại phí, lệ phí, giao nộp phí và đề xuất chuyển sang giá dịch vụ một số loại phí…
Đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý tạo kẽ hở tiêu cực?
Việc sửa đổi Luật Kế toán theo đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa là hết sức cần thiết, bởi hoạt động kế toán phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với các nội dung cụ thể như việc thay tên gọi giá hợp lý bằng giá thực tế các tài sản cố định. Tài sản, sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sản phẩm tồn kho khi đánh giá lại bằng giá hợp lý sẽ có giá trị thực tế không như giá trị sổ sách. Doanh nghiệp qua đánh giá lại sẽ tự tạo giá trị cho mình bằng nhiều cách khác nhau.
“Khi đánh giá lại tài sản cố định rất có thể góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đánh giá khấu hao tài sản đó vào chi phí hợp lý. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện tốt việc này nhưng ở nước ta chuẩn mực kế toàn còn hạn chế nên dễ này sinh tiêu cực trong quá trình đánh giá tài sản nhà nước”, đại biểu Quang nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Quang, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán có quy định dịch vụ kế toán đối với các doanh nghiệp không tổ chức được bộ máy kế toán, nhưng kết cấu này không hợp lý vì tổ chức sử dụng dịch vụ này rất ít, chỉ dùng cho doanh nghiệp rất nhỏ. Hơn nữa, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cung cấp dịch vụ kế toán không thấy nói đến nên cần bổ sung thêm phần này.
Đại biểu Mai Xuân Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. |
Đại biểu Lê Minh Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng, luật hiện hành quy định cấm lập 2 sổ kế toán trở lên, tuy nhiên điều này dường như không có ý nghĩa trên thực tế. Hiện nay phát sinh nguy cơ nhiều doanh nghiệp lập nhiều sổ kế toán để đối phó nên Luật cần đặt ra quy định về vấn đề này, nhằm giảm thiểu tình trạng sai lệch số liệu kế toán.
Chưa thực sự hài lòng với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, đại biểu Mai Xuân Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, Luật Kế toán mới chỉ giải quyết được bề nổi, chuẩn mực kế toán của Việt Nam chưa tiếp cận được theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong hệ thống.
Phí, lệ phí nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước
Tập trung thảo luận về Dự án Luật phí, lệ phí trong sáng nay, các đại biểu đều thống nhất với việc cần thiết phải ban hành Luật mới thay cho Pháp lệnh phí và lệ phí đã áp dụng hơn 13 năm qua.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cho rằng, lâu nay việc ban hành mức phí, lệ phí vẫn ủy quyền cho một số bộ, ngành và địa phương dẫn đến còn nhiều bất cập. Do đó, thẩm quyền ban hành mức phí, lệ phí nhất thiết phải giao cho Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chi tiết đến danh mục phí cũng như tỷ lệ, mức thu phí và lệ phí.
Đại biểu Quang cho rằng, phạm vi điều chỉnh Luật phí, lệ phí áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, do vậy cần phải giao toàn bộ phí, lệ phí thu được vào Ngân sách Nhà nước, việc quản lý sử dụng sẽ hiệu quả hơn.
“Danh mục phí cần ít hơn theo quy định hiện hành đồng thời quy định minh bạch, rõ ràng. Hiện còn nhiều khoản thu phí và lệ phí không hợp lý hoặc không có biến động thu nên tiếp tục chuyển một số phí, lệ phí sang cơ chế giá thị trường chịu ảnh hưởng của Luật giá. Đồng thời, lệ phí trước bạ nên coi thành một mức, không tính theo giá trị tài sản không phân vùng”, đại biểu Quang đề xuất.
Cho rằng một số khoản thu phí đều có sự tham gia thực hiện của cơ quan Nhà nước cũng như của doanh nghiệp như phí dịch vụ công chứng, phí thi hành án dân sự… đại biểu Vinh cho rằng, nên quy định trong một số trường hợp thu phí, lệ phí chỉ cơ quan nhà nước mới được phép thực hiện. Nếu thực hiện song hành như hiện nay sẽ phát sinh mức phí chênh lệch gây bất bình đẳng. Ngược lại, một số loại phí nhất thiết cần chuyển dần sang giá dịch vụ.
Ngoài ra, đại biểu Vinh còn đề xuất ý kiến về căn cứ cơ sở quy định mức thu phí. Theo đó cần xem xét đến khả năng chi trả của người nộp phí. Danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật cần cân nhắc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành đảm bảo tính linh hoạt. Ban soạn thảo cũng cần rà soát một số loại phí chưa rõ nội hàm, hết sức chung chung. Cụ thể như lệ phí trước bạ cần có quy định thống nhất trong phạm vi toàn quốc, tạo sự bình đẳng của người nộp.
Đồng tình với đại biểu Quang về quy định thu và sử dụng phí và lệ phí, đại biểu Lê Minh Thông cho rằng cần có quy định cụ thể và bắt buộc phải nộp toàn bộ phí, lệ phí thu được vào Ngân sách Nhà nước. Quan trọng hơn là đối với hai khoản học phí và viện phí khi đưa ra khỏi danh mục phí sẽ được sử dụng như thế nào cũng như khả năng điều tiết mức giá dịch vụ của Nhà nước.
Đối với khoản lệ phí trước bạ, đại biểu Thông cho rằng đây bản chất là khoản thuế phải nộp cho nên cần quy định tỷ lệ phần trăm đối với từng loại tài sản. Do đó Luật cần phân cấp quản lý phí và lệ phí giữa Trung ương và địa phương trong từng phạm vi cụ thể.
Theo đại biểu Mai Xuân Hùng, Luật phí và lệ phí về nguyên tắc cần xác định mức nộp như thế nào cho phù hợp với mức thu nhập tối thiểu của từng vùng. Nếu áp mức thu không hợp lý, Luật sẽ không thể có hiệu lực khi công dân không thể thực hiện được việc nộp phí.
Trong cách tính và thu lệ phí trước bạ, đại biểu Hùng cho rằng, cần căn cứ theo chuẩn mực giá trị thương mại từng khu vực hoặc căn cứ vào giá trị tài sản, không tính chung toàn quốc gây thất thoát. Trên thực tế, giá trị tài sản còn phụ thuộc rất lớn vào việc định giá của hội đồng nhân dân các cấp, do đó để đảm bảo tính minh bạch, Luật cần quy định đánh giá mức lệ phí trước bạ phân theo từng khu vực./.