Nên hay không vay vốn của Trung Quốc để làm đường cao tốc?
VOV.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề không phải vay vốn của nước nào để làm cao tốc mà quan trọng hơn là sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh). Trước đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã nhận được góp ý của các cơ quan Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính cũng như Bộ GTVT với những ý kiến khác nhau về việc triển khai dự án này.
Theo tính toán trước đây của Bộ GTVT, với dự kiến mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án để hoàn thành đoạn tuyến dài khoảng 90 km sẽ lên tới 8.600 tỷ đồng, tương đương 382,25 triệu USD. Trong đó, Bộ GTVT có nêu việc phía Trung Quốc gợi ý cho vay 300 triệu USD để thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi nguồn vốn trong nước dù có nhưng lại không đủ, nên phải hướng đến các khoản vay, viện trợ ODA của các nước.
“Việc Trung Quốc hay nước nào có ODA nếu như đáp ứng được nhu cầu của chúng ta thì ta sử dụng, không nhất thiết phải là nước này hay nước kia. Trên cơ sở là nguồn vốn đó có đáp ứng đủ điều kiện của chúng ta hay không, đảm bảo cho chúng ta có khả năng vay, trả nợ và đáp ứng tốt nhất hay không”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, một số dự án vay vốn của Trung Quốc thường gắn với những điều kiện ràng buộc đi kèm như nguồn vốn vay phải gắn với sử dụng công nghệ và nhân công của Trung Quốc, chất lượng công trình khó đảm bảo chất lượng…
Giải đáp về điều này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, không phải chỉ riêng Trung Quốc mà bất cứ quốc gia nào khi cho vay vốn ODA đều đưa ra điều kiện: Vay vốn ODA với lãi suất thấp hơn vay thương mại nên các nhà thầu cũng được quyền tham gia, được sử dụng máy móc, thiết bị vào dự án vay vốn.
“Tuy nhiên nếu các nhà thầu đáp ứng được nhu cầu cũng như những điều kiện do chúng ta đặt ra và chúng ta thấy rằng nguồn vốn vay có lợi thì vẫn có thể sử dụng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.
Đặt trường hợp với dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông thời gian qua vốn giải ngân chậm, liên tục “trượt” tiến độ hoàn thành dự án do có liên quan đến nguồn vốn, công nghệ và nhà thầu Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, bất kì dự án nào tiến độ nhanh hay chậm đều có nhiều nguyên nhân, có thể do giải phóng mặt bằng, do sử dụng không hiệu quả các nhà thầu phụ mà không phải hoàn toàn do đồng tiền làm chậm.
“Sử dụng nguồn vốn thế nào thì cơ quan, doanh nghiệp phải biết cách sử dụng hiệu quả. Nếu chúng ta đã dùng nguồn vốn vay, dự án càng kéo dài thì tổng mức đầu tư càng đắt hơn do thời gian trả nợ, thời gian ân hạn ngắn lại, do đó nếu không triển khai nhanh thì chắc chắn sẽ bị thiệt hại nhiều”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ rõ.
Không để bị "vấp"
Trước đó, khi trao đổi về vấn đề vay vốn của Trung Quốc, Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, không nên quá lo lắng về nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc kể cả có điều kiện ràng buộc về công nghệ hay nhân công.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. |
Theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng, nếu xét về mặt công nghệ thì không phải công nghệ nào cũng giống nhau, quan trọng là phải lựa chọn nhà thầu, lựa chọn các quy trình kỹ thuật thật tốt, có các chuyên gia cũng như tham vấn rộng rãi của các cơ quan có liên quan và từ những người có kinh nghiệm, khi đó đầu tư dự án sẽ mang lại tính hiệu quả kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm, khi cần thực hiện dự án, đặc biệt với dự án vay vốn ODA, cần phải rà soát và có những đánh giá, những cân nhắc cụ thể để lựa chọn nguồn vốn rộng rãi, không cứ riêng gì với Trung Quốc mà từ nhiều nước trên thế giới.
Hơn nữa, khi thực hiện một dự án, Việt Nam có thể tìm hiểu ở các quốc gia có công nghệ tốt hơn, thi công nhanh hơn và chất lượng bền hơn. Không nên vội vàng với bất kì dự án nào mà cần cân nhắc, lựa chọn nhà thầu ở bất kể quốc gia nào nếu có giá cạnh tranh thấp, chất lượng tốt, hiệu quả và thân thiện với môi trường, đáp ứng được những mục tiêu đề ra.
“Rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, chúng ta đã lựa chọn một số nhà thầu hơi vội vàng, trong đó có một số nhà thầu của Trung Quốc đã và đang thi công một số công trình. Đó là những bài học kinh nghiệm khi dự án triển khai vừa chậm, chất lượng không hiệu quả đồng thời tính cạnh tranh cũng chưa chưa cao, chưa lành mạnh, công khai… Trong khi đó có nhiều đối tác khác tốt hơn nhưng vì vội vàng nên chúng ta đã bị “vấp” trong quá trình lựa chọn công nghệ, nhà thầu cũng như hiệu quả của quá trình đầu tư”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng khuyến cáo./.