Nền kinh tế toàn cầu khó thoát suy thoái trong năm 2023
VOV.VN - Nhận định từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, những cú sốc bất lợi trong 2 năm qua khiến nguy cơ suy thoái dường như khó tránh khỏi tại một số quốc gia.
Triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa tại Mỹ, Liên minh châu Âu và đà phục hồi mong manh tại Trung Quốc đã khiến các thị trường và giới đầu tư lo ngại. Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuần này cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái vào năm tới, trong khi gánh nặng nợ đang kìm hãm sự phục hồi của các nền kinh tế mới nổi.
Trong báo cáo mới nhất công bố hôm 15/9, WB dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 (tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người) đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhưng không đủ khả năng để kiềm chế lạm phát, WB kêu gọi các nhà hoạch định chính sách "chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất nhằm kích thích đầu tư mới, cải thiện năng suất cũng như phân bổ vốn.
Chủ tịch WB David Malpass trước đó cũng cảnh báo những cú sốc bất lợi trong 2 năm qua, có nghĩa là thu nhập thực tế trên đầu người sẽ khó có thể trở lại mức trước đại dịch; nguy cơ suy thoái dường như là khó tránh khỏi tại một số quốc gia.
“Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ lớn nhất trong 80 năm. Khi Covid-19 được cải thiện, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái. Song triển vọng này đã bị đảo ngược, khi lạm phát tăng cao hơn dự báo và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của các Ngân hàng Trung ương không đủ khả năng kiềm chế lạm phát. Cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra cú sốc lớn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu”, Chủ tịch WB cảnh báo.
Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, do nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Trong năm nay, tình hình trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc. Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc Kristania Georgieva hồi tuần này cũng cho rằng, tình hình kinh tế tại các quốc gia mới nổi là rất đáng lo ngại khi gần 1/4 trong khi những quốc gia này đang phải đối mặt với những khó khăn về nợ. 16 quốc gia đã yêu cầu hỗ trợ tài trợ với tổng số tiền khoảng 90 tỷ USD chỉ trong 6 tháng qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 15/9 đồng loạt đi xuống, khi nhà đầu tư đón nhận một số báo cáo vĩ mô cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế Mỹ. Những diễn biến tích cực trên thị trường lao động dường như không đủ để xoa dịu những lo ngại về lạm phát cao dai dẳng.
Các nhà đầu tư lo rằng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải nâng lãi suất mạnh tay hơn để kiềm chế giá cả, khiến cho nguy cơ suy thoái lên cao hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần tuyên bố, cuộc chiến chống lạm phát sẽ tiếp diễn dẫu điều này sẽ khiến người Mỹ sẽ phải chịu một số “nỗi đau”.
“Lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và điều kiện thị trường lao động được nới lỏng sẽ giúp giảm lạm phát, những điều này cũng có thể sẽ khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp phải chịu một số nỗi đau. Đây là những chi phí đáng tiếc của việc giảm lạm phát, nhưng thất bại trong việc khôi phục sự ổn định giá cả sẽ đồng nghĩa với nỗi đau còn lớn hơn nhiều”, ông Jerome Powell nói.
Tuy nhiên chuyên gia Indermit Gill - Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới vẫn lạc quan thận trọng khi cho rằng, bức tranh không chỉ có những gam màu xám bởi với nỗ lực cải thiện các chính sách và quản lý kinh tế, các quốc gia đã có khả năng bảo vệ nền kinh tế và người nghèo tốt hơn./.