Nên lập Uỷ ban Quốc gia về tái cơ cấu kinh tế?

(VOV) - Lạm phát của Việt Nam luôn cao nhất khu vực châu Á, dẫn tới lãi suất nằm trên đỉnh.

Báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ đã nhận định đúng tình hình hiện nay, nhìn rõ những thách thức khó khăn và quyết tâm tạo sự chuyển biến. Đây là ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đồng tình với nhận định của Chính phủ về tình hình thế giới, trong nước vẫn còn khó khăn, phức tạp, nhưng theo đại biểu Trần Du Lịch báo cáo còn thiếu phân tích tình hình cụ thể, lý giải GDP quý sau cao hơn quý trước, hàng tồn kho giảm...

Trở lại với nhận định của Chính phủ, năm 2012, GDP của thế giới chỉ còn 2,3%; tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái kép, tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Chính phủ ước GDP đạt 5,2% trong năm 2012 nhưng theo đại biểu Ngân là rất khó, vì quý 4 phải đạt 5,6-5,7% trở lên thì mới đạt tới con số này. “Chắc GDP năm 2012 chỉ đạt 5-5,1%”, ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, một trong những điểm sáng của nền kinh tế có thể kể đến là cán cân thương mại đã cải thiện, 9 tháng xuất siêu, 10 tháng thì nhập siêu 1 tỷ USD. Điều này góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể. Chúng ta sẽ thặng dư trên 3 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, giúp có thêm 1 kháng thể, sức khỏe tốt để lo tập trung giải quyết nợ xấu.

“Điểm nữa là tỷ giá lâu nay là con ngựa bất kham, nhưng hiện nay đang kiểm soát tốt” – ông Ngân nói.

Về CPI, theo ông Ngân, giảm bao giờ cũng vui, năm nay ở mức khoảng 8-9%, nhưng quan trọng là cả khu vực châu Á chỉ ở mức 3,9%, như vậy ta gấp đôi họ rồi. Lạm phát của Việt Nam luôn cao nhất khu vực châu Á, dẫn tới lãi suất nằm trên đỉnh. Như vậy, lại chưa phải là dấu hiệu đáng mừng.

Phân tích về 5 tiêu chí không hoàn thành trong năm 2012, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cho rằng, có 1 chỉ tiêu rất quan trọng đó là đầu tư xã hội, cần phải tập trung phân tích điều này. Đó là sự đầu tư vốn liếng của toàn xã hội vào làm ăn, kéo theo GDP, việc làm đều không đạt. “Năng lực hấp thụ của nền kinh tế kém đi. Nợ xấu, tồn kho gia tăng-đây là 2 căn bệnh lớn nhất”, đại biểu Nghĩa nói.

Cần tạo tâm thế vững vàng

Đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TP HCM) nhận xét: “Tâm lý, niềm tin vào thị trường, vào sự phát triển của nền kinh tế vẫn chưa bền vững. Do vậy, Chính phủ ngay trong kỳ họp này phải thể hiện rõ niềm tin, quyết tâm khôi phục, phát triển kinh tế để ổn định tâm lý, tạo khí thế, niềm tin, động lực của cả đất nước”.

Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) thì: “Tình hình đang khó khăn nhưng không thể khó khăn bằng thời kỳ trước đổi mới và trong chiến tranh. Với sự dốc tâm đồng lòng của toàn dân chúng ta vẫn vượt qua được”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vì đó là lực lượng vô cùng quan trọng cho nền kinh tế. Đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, vì đó là chỗ tựa vững chắc cho nền kinh tế. Đầu tư cho nông nghiệp sẽ thúc đẩy được xuất khẩu.

Về 9 nhóm giải pháp Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) bày tỏ tâm đắc với giải pháp thứ 2: tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất. Đại biểu đề xuất Chính phủ nên cụ thể hóa bằng các thông tư, nghị định hướng dẫn như giãn thuế, giảm thuế, chậm nộp tiền đất, xử lý nợ xấu nhằm giải tỏa "cục máu đông hơn 2000 tỷ trong xử lý nợ xấu của  ngân hàng".

Theo nhận định của đại biểu Trần Du Lịch, năm 2013, kinh tế còn trì trệ nhưng sẽ tăng hơn 2012. Thông điệp của Thủ tướng đưa ra là rất rõ ràng, phải gắn tăng trưởng với tái cơ cấu nền kinh tế. Phải đột phá 3 điểm: thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, gắn giải pháp tình thế với dài hạn. Vấn đề hiện nay là làm sao có thị trường để khai thác hết tiềm năng đã có.

Đại biểu Lịch kiến nghị, về ngắn hạn, phải giải quyết cho được để hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Không thể kích cầu như 2009, nhưng đừng sợ lạm phát quay lại mà siết cầu. Đừng để DN vì thiếu vốn lưu động mà phá sản, không trả được nợ. Hiện đang dư xi măng, sắt thép, nếu địa phương nào có nhu cầu làm đường xã hội hóa thì Nhà nước cấp xi măng, thép cho dân làm.

Đại biểu Trần Du Lịch, đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không có ngân hàng nào tự mình giải quyết việc tái cơ cấu, nợ xấu. Nếu làm không tốt thì không thể tái cơ cấu kinh tế, lấy lại niềm tin của thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên