Nga và gói “giải pháp” cứu đồng ruble
VOV.VN - CBR đã đưa ra gói “giải pháp 2.0” quyết liệt và hiệu quả được dư luận quốc tế rất quan tâm.
Trong bối cảnh đồng ruble (Nga) mất giá mạnh nhất, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 đến nay, cùng với những dấu hiệu bất lợi cho nền kinh tế Nga, vì phải đối mặt với ba khó khăn lớn: Đồng nội tệ phá giá mạnh, lạm phát gia tăng với tốc độ phi mã và nguồn thu từ dầu liên tục giảm.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã đưa ra giải pháp quyết liệt, kịp thời được gọi là gói “giải pháp 2.0” và hiệu quả của nó đang được dư luận quốc tế rất quan tâm.
Từ nguy cơ…
Ngày 16/12, đồng ruble của Nga phá giá kỷ lục, mất tới hơn 10% giá trị và được ghi nhận là lần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại quốc gia này vào năm 1998. Đồng nội tệ Nga đã cách biệt so với đồng USD và đồng euro, có lúc lên tới 80 ruble/USD và 100 ruble/euro.
Theo dự toán từ hồi đầu năm nay, Nga xác định giá dầu ở mức 105 USD/thùng. Với nguồn thu từ dầu khí chiếm gần 50% thu nhập của chính phủ và hơn 60% kim ngạch xuất khẩu (khoảng 530 tỷ USD) của cả nước. Do đó, sự sụt giảm giá dầu như hiện nay (57,49 USD/thùng) có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga. Giá dầu sụt giảm đã làm cho nền kinh tế Nga mất đi khoảng gần 100 tỷ USD mỗi năm.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo nền kinh tế Nga có thể rơi vào “suy thoái sâu” nếu Chính phủ của ông không hành động một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Các biện pháp cấm vận của phương Tây sẽ khiến kinh tế Nga khó phục hồi hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. “Tình hình đang rất xấu. Nhưng chúng tôi sẽ vượt qua thử thách này”.
Đến giải pháp…
Trước sự biến động của nền kinh tế, chính phủ Nga đã đưa ra một loạt biện pháp đối phó. Ngày 15/12, CBR quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 6,5% - từ 10,5% lên 17%/năm. Đồng thời CBR còn triển khai gói cứu trợ kinh tế được gọi là “giải pháp 2.0” để chống lại nguy cơ lạm phát và mất giá của đồng ruble.
Trong “giải pháp 2.0” có việc tăng tái cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng, đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tệ thông qua cung cấp khả năng thanh toán ngoại tệ khi cần thiết. Nga khẳng định có đủ dự trữ ngoại tệ và các công cụ tài chính để điều chỉnh nền kinh tế, vượt qua khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt, thậm chí thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai nhân tố tác động từ bên ngoài khiến Nga lâm vào tình trạng hiện nay:
Một là, Nga đã bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Hai là, Phương Tây đã liên kết với nhóm OPEC và chọn “vũ khí” giá dầu để tấn công nền kinh tế Nga, vì biết rằng nền kinh tế nước này quá phụ thuộc vào ngành năng lượng (50%). Năm 1990 Mỹ và Arab Saudia (nước sản xuất nhiều dầu nhất khu vực) cũng làm điều này khiến Liên bang Xô viết tan rã nhanh hơn so với dự kiến.
Trong bối cảnh nền kinh tế có xu hướng xấu đi, những động thái vừa vừa nêu của CBR được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu đầu tiên nhằm củng cố vị thế của đồng ruble. Đây là nhiệm vụ quan trọng của chính sách tài chính quốc gia và việc tác động ổn định đồng ruble chính là một trong những biện pháp chống lạm phát có hiệu quả.
Thống đốc CBR, bà Elvira Nabiullina cho rằng, thị trường tiền tệ Nga đang chịu áp lực từ sự đầu cơ. Đồng ruble rớt giá liên tục trong suốt nhiều tháng qua đã hình thành tâm lý hoảng loạn trong người dân, sự mất cân đối cung - cầu đối với đồng USD dẫn đến một thực tế là đồng USD càng tăng giá thì người dân lại càng sẵn sàng muốn mua USD để tích trữ.
Bà Nabiullina thừa nhận đang hình thành điều gì đó tương tự như hiện tượng “bong bóng tài chính” trên thị trường tiền tệ Nga. Ngoài ra, bà Thống đốc cũng như các chuyên gia kinh tế cho rằng đồng ruble đang bị định giá thấp hơn từ 10-20% so với giá dầu thế giới.
Trong khi đó, không ít chuyên gia phân tích của Nga và thế giới lại có góc nhìn khác. Họ cho rằng hiện tượng đồng ruble sụt giá chỉ là bề nổi của tảng băng trôi còn trên thực tế những khó khăn, thách thức mà Nga đang phải đối mặt bắt nguồn từ những yếu tố chính trị.
Các động thái trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa Phương Tây và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, được áp dụng kể từ hồi tháng 3/2014 tới nay, đang đẩy nền kinh tế thế giới đến những con số thiệt hại ngày càng lớn. Chỉ tính riêng các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa - chính trị từ phương Tây đã khiến Nga bị thiệt hại hơn 40 tỷ USD mỗi năm và cũng với con số tương đương đối với EU.
Và hiệu quả bước đầu…
Ngày 23/12, chính phủ Nga đã ra lệnh buộc các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, bao gồm cả hai Tập đoàn năng lượng khổng lồ là Gazprom và Rosneft, phải bán bớt ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble đang bị mất giá.
Năm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu quốc gia phải giảm dự trữ ngoại tệ xuống mức bằng hoặc thấp hơn thời điểm ngày 1/10/2014. Tiếp đến là các Tập đoàn năng lượng Zarubezhneft, hãng khai thác mỏ Alrosa và nhà sản xuất kim cương PO Kristall cũng phải tuân thủ theo yêu cầu nói trên.
Chính phủ Nga cũng cho biết, sẽ mở cuộc họp với ban giám đốc các tập đoàn nêu trên để buộc họ phải thực hiện quy định của Chính phủ trước ngày 1/3/2015. CBR sẽ trực tiếp giám sát việc các công ty bán bớt ngoại tệ.
Trước những thông tin trên, lập tức giá đồng rubel tăng 5,5% lên mức 1 USD đổi được 55,4 ruble. “Thị trường đã phản ứng tích cực với hành động của điện Kremlin”, giá đồng ruble đã phục hồi 20% so với mức đáy 1 USD/80,1 ruble vào ngày 16/12/2014.
Được biết, Nga cũng đã từng thành công khi giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi CBR bơm ra 200 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối và đã không để xảy ra làn sóng rút tiền tại các ngân hàng.
Theo giới quan sát, nhiều động thái của Nga cho thấy, lần này họ cũng mong muốn giải quyết bất đồng với phương Tây. Quan điểm đó đang được Đức, Pháp và nhiều nước trong EU đồng tình, bởi phương Tây cũng hiểu rằng việc nền kinh tế Nga suy thoái sẽ không có lợi cho bất cứ quốc gia nào.
Thủ tướng Nga Medvedev cũng nhận định: “đồng ruble bị đánh giá quá thấp và không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế, và vì thế không cần điều chỉnh mạnh thị trường ngoại tệ của Nga”.
Tuy nhiên, gói “giải pháp 2.0” mà CBR đưa ra nhằm hỗ trợ đồng ruble đã đạt được hiệu quả bước đầu. Vì thế, giới phân tích dự báo rằng, trong bối cảnh hiện nay, tuy sức ép từ bên ngoài là khá lớn, nhưng với tiềm lực kinh tế của Nga, cùng với những kinh nghiệm chèo lái kinh tế đất nước của Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga có thể sớm phục hồi và lấy lại vị thế của mình tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu./.