Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giảm "giá vốn” cho doanh nghiệp
VOV.VN - Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, một số ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, được đánh giá sẽ giúp các DN giảm được chi phí "giá vốn".
Hàng loạt ngân hàng như Techcombank, VietinBank, Sacombank, SeABank, LienVietPostBank... đã công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%/năm. Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, một số ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Động thái này được đánh giá sẽ giúp các DN giảm được chi phí "giá vốn".
Đến nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các DN nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank. Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng.
Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất. Từ ngày 10/2, MB giảm 1% lãi suất vay cho khách hàng DN có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Sacombank vừa thông báo áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm. Ngân hàng VP Bank dành ra nguồn vốn 7000 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất ưu đãi.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối DN vừa và nhỏ, ngân hàng VP Bank cho biết, ngân hàng dành ra nguồn vốn 7000 tỷ đồng để DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn, nguồn vốn 7.000 tỷ đồng này được cung cấp với mức lãi suất giảm từ 0,5%-1,5% dành cho DN ở mọi quy mô, kể cả siêu nhỏ, vừa và nhỏ.
Động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng diễn ra sau khi lãi suất huy động có xu hướng "hạ nhiệt" trong 1 tháng trở lại đây. Khảo sát trang điện tử chính thức của các ngân hàng, hiện lãi suất huy động niêm yết cao nhất khoảng 9,45%/năm. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, đây là sự cố gắng, quyết tâm của tổ chức tín dụng, tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2023, nhiều DN cho rằng, các DN hiện đang gặp nhiều khó khăn do đơn đặt hàng giảm rõ rệt, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Do đó, yếu tố lãi suất sẽ tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của DN khi nhu cầu vay vốn của các DN vẫn rất lớn.
Ông Phạm Xuân Liệu, Giám đốc Nhà máy, Công ty Cổ phần Zinca Việt Nam mong muốn, ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm thêm lãi suất để các DN có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Lãi suất hiện tại tương đối cao so với biên lợi nhuận của các DN sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có các bước điều chỉnh lãi suất hợp lý”, ông Liệu đề xuất.
Theo kết quả điều tra xu hướng của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, 4 lĩnh vực dự kiến là động lực tăng trưởng tín dụng chính cho năm 2023 bao gồm bán buôn bán lẻ, xuất nhập khẩu, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất thức ăn và đồ uống. Để hỗ trợ sản xuất, một số ngân hàng đưa ra các gói vay ưu đãi, giảm từ 0,1 - 2%/năm tùy ngân hàng, tuy nhiên theo các chuyên gia, để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất “giảm nhiệt” từ ngân hàng, điều quan trọng, doanh nghiệp cần kế hoạch kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ./.