Ngân hàng Nhà nước có vốn pháp định 10.000 tỷ đồng
(VOV) - Quỹ dự phòng tài chính không vượt quá 25% vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo đó, NHNN quản lý và sử dụng các loại vốn: Vốn pháp định; tiền phát hành vào lưu thông để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; tiền gửi của các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước; vốn đi vay; vốn khác.
Về mức vốn pháp định của NHNN được quy định là 10.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn này được hình thành từ các nguồn: Các nguồn vốn hiện có (gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước đã cấp và vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định); nguồn vốn được bổ sung (gồm vốn ngân sách nhà nước cấp (nếu có); khoản trích từ chi phí bằng 12% trên giá trị tài sản cố định bình quân hàng năm theo quy định); chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật; nguồn vốn khác (nếu có).
Quyết định 07/2013 này cũng quy định: NHNN được lập khoản dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí bằng 10% chênh lệch thu chi chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro. Số dư khoản dự phòng rủi ro không vượt quá số phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định áp dụng đối với NHNN.
Khoản dự phòng rủi ro được sử dụng để bù đắp các khoản tổn thất hoặc coi như tổn thất trong hoạt động của NHNN, gồm: các khoản tổn thất phát sinh từ hoạt động tín dụng; các khoản tổn thất trong hoạt động thanh toán và ngân quỹ; các khoản tổn thất phát sinh trong hoạt động quản lý và dự trữ ngoại hối nhà nước và can thiệp bình ổn thị trường vàng trong nước; các khoản tổn thất khác trong quá trình hoạt động có đủ bằng chứng tin cậy là không còn đối tượng để thu hoặc đối tượng phải thu không còn khả năng thanh toán; xử lý các khoản thanh toán với nhà nước và ngân sách nhà nước theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; các trường hợp khác theo quyết định của Thống đốc NHNN.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện trích từ chênh lệch thu, chi hằng năm theo quy định để bổ sung Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và Quỹ dự phòng tài chính. Đối với Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, số dư thực của Quỹ không vượt quá 1 lần mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước. Còn mức tối đa của Quỹ dự phòng tài chính không vượt quá 25% vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm tài chính của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào cuối ngày 31/12 năm dương lịch./.