Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng

Nhóm lợi ích nào bị ảnh hưởng thì các nhóm lợi ích đó đã đi trái lại lợi ích của quốc gia, do đó sẽ không được chấp nhận và không được tồn tại.

Sáng 25/11, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn các vấn đề tái cơ cấu, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp…

Hoạt động sản xuất kinh doanh vàng là một trong nội dung được các đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng), Đào Xuân Huy (đoàn Đồng Tháp), Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) chất vấn.

Theo đó, một số quy định trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng phải chăng tạo độc quyền cho Công ty vàng SJC, làm giảm số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng ?. Việc cấp phép nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước có gì mới?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời thẳng thắn: Nhà nước phải độc tôn về quản lý, không được cho tư nhân sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, nhìn lại mặt bằng quản lý kinh doanh vàng còn nhiều bất cập.

Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 quy định Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý vàng nhưng các văn bản dưới luật lại phân khúc hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trong đó, NHNN chỉ quản lý duy nhất khâu xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Các khâu sau được coi là hàng hóa bình thường, được lưu thông theo quy định hàng hóa bình thường do Bộ Công Thương quản lý nên đã gây ra nhiều bất cập.

Trên thị trường đã có thời gian dài coi vàng miếng là hàng hóa thông thường. Do vậy đã có hơn 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng trang sức trong cả nước thỏa sức kinh doanh vàng miếng.

Vào thời điểm trước 2008, khi giá vàng thế giới không có những biến động lớn thì hoạt động kinh doanh vàng miếng trong nước trầm lắng. Nhưng từ năm 2008 đến nay, những bất ổn của kinh tế thế giới khiến thị trường vàng thế giới chao đảo mạnh mẽ, giá vàng từ 600 USD đã lên đến 1.700 USD/oz tại thời điểm hiện tại và làm cho thị trường vàng trong nước bất ổn. Qua đó,  có thể thấy mặt bằng pháp lý của chúng ta hết sức bất cập.

Thủ tướng Chính phủ giao NHNN phối hợp cùng các Bộ, ngành xây dựng lại một Nghị định quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, đến nay Nghị định đã hoàn thành và trình Chính phủ để lấy ý kiến và sẽ ban hành trong thời gian tới.

Mục đích của Nghị định này nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý về hoạt động sản xuất kinh doanh vàng. Khuyến khích hoạt động sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo ra hàng hóa cho xã hội. Nhưng sẽ siết chặt lại một bước việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng.

Theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền vế sản xuất và kinh doanh vàng miếng, “nhóm lợi ích nào bị quy định này làm ảnh hưởng thì các nhóm lợi ích đó đã đi trái lại lợi ích của quốc gia và sẽ không được chấp nhận, không được tồn tại trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 95 xử lý vi phạm hành chính kinh doanh vàng và ngoại tệ. NHNN cũng đang gấp rút xây dựng đề án về hoạt động huy động vàng.

“Chúng tôi tin tưởng sau khi 3 công cụ này được ban hành, chúng ta sẽ có đầy đủ công cụ để quản lý tốt hơn thị trường vàng, theo nguyên tắc bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về việc sở hữu, mua bán vàng miếng và gửi ở các địa chỉ an toàn và có khả năng sinh lãi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết.

Đại biểu Trịnh Xuyên (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết các giải pháp để kìm chế hoạt động kinh doanh ngoại tệ trên thị trường chợ đen. Thống đốc Nguyễn Bình cho rằng, với Nghị định 95 vừa ban hành nêu trên, với các chế tài áp dụng rất lớn, ngoài tăng mức xử phạt vi phạm hành chính rất cao còn có biện pháp bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật. Tuy Nghị định này mới ra đời được 1 tháng nhưng đã tỏ rõ hiệu quả, ngành Ngân hàng phối hợp với lực lượng công an đã xử lý rất nhiều vụ việc.

Ví dụ đã xử lý phạt một đơn vị niêm yết giá bằng ngoại tệ 500 triệu đồng; Xử phạt 2 cửa hàng kinh doanh vàng bán ngoại tệ không có giấy phép xử lý từ mức 50 -100 triệu đồng tiền phạt và thu hồi toàn bộ ngoại tệ đang giao dịch.

Về băn khoăn của Đại biểu Đào Xuân Huy (đoàn Đồng Tháp) cho rằng quy định trong dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng có làm cho Công ty vàng SJC độc quyền, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo quy định, Nhà nước sẽ độc quyền kinh doanh vàng miếng. Vàng SJC hiện nay chiếm 90% thị phần vàng miếng trên thị trường. Do vậy, theo thỏa thuận giữa NHNN và UBND TP HCM, hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng sẽ trực thuộc NHNN thời gian tới.

Với cách làm này, Nhà nước thực hiện được hai mục tiêu: Độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng và tiết giảm chi phí, vì đã có hàng trăm tấn vàng được dập ra vàng SJC và nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

“Từ giờ phút này, nhãn vàng SJC là nhãn vàng của NHNN Việt Nam. Khi điều kiện cho phép, NHNN sẽ đổi chữ SJC thành SBV (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên