Ngân hàng Nhà nước: Không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36
Lộ trình thực hiện thông tư này vẫn giữ nguyên, bắt đầu từ ngày 1/2/2015, tức là chỉ còn nửa tháng nữa.
Sáng 14/1, lãnh đạo cao cấp chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ không điều chỉnh nội dung, không lùi việc thực hiện Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Như vậy, lộ trình thực hiện thông tư này vẫn giữ nguyên, bắt đầu từ ngày 1/2/2015, tức chỉ còn nửa tháng nữa.
Trước đó, khối ngân hàng nước ngoài cũng từng có kiến nghị lùi thời điểm thực hiện thông tư trên, vì thời điểm quá gấp và họ có thể không đáp ứng kịp. Một điểm mà khối này quan ngại là giới hạn về tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Còn phía các công ty chứng khoán, mà đại diện là Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng đã có đề nghị xem xét điều chỉnh lại giới hạn các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán tối đa 5% vốn điều lệ.
Trước các kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, trao đổi cụ thể với các đầu mối liên quan. Kết luận cuối cùng là vẫn giữ nguyên các nội dung và lộ trình thực hiện Thông tư 36.
Xoay quanh sự kiện này, trong bản tin tổng kết tuần qua, một tổ chức đầu tư cũng dự tính: với kỷ luật của chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh, không lùi thời điểm thực hiện như trên; nếu có điều chỉnh thì chỉ có thể có sau khi áp dụng và bám sát những phát sinh trên thực tế cho phù hợp.
Thông tư 36 là chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn, tiếp cận tốt hơn các chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh quy định còn có tranh cãi về giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, thông tư này lần đầu tiên đưa ra thông điệp mạnh mẽ về xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống, về tình trạng ngân hàng thua lỗ ăn vào vốn điều lệ…
Cùng với Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 36 là miếng ghép quan trọng để nâng cao chuẩn mực an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Với khẳng định trên, Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu này mà không tiếp tục trì hoãn nữa./.