Ngành Công Thương cần đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu
VOV.VN - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành Công Thương thời gian tới cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.
“Nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa; nhiều loại hình giao thông, cửa khẩu tạm dừng hoạt động,… Tuy nhiên, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng”. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương ngày 9/1/2022.
Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ Công Thương là bộ đa ngành, quản lý nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Trong quý III/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp từ chỗ -3,5% nhưng sau khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong quý 4/2021. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp cho kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ các khó khăn, hạn chế của ngành như: sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của một số tập đoàn, doanh nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp...
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm với ngành Công Thương trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông, lâm, thủy sản,… Tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng; trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
“Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành Công Thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề cập tới việc cần đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống. Giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam -Trung Quốc như thời gian vừa qua; phối hợp với các bộ, ngành địa phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
“Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có biến động khó lường, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương thời gian tới cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài; đánh giá toàn diện tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia./.