Ngành da giày sản xuất ổn định

6 tháng đầu năm, sản xuất của ngành da giày ổn định và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2010.

Giày dép xuất khẩu tiếp tục là một trong các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 3 sau dệt may và dầu thô với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt gần 3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ.

Tiêu thụ sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã có sự chuyển hóa, các sản phẩm cấp thấp, rẻ tiền như giầy dép bằng cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, các sản phẩm giầy dép bằng da thật và giả da đều tăng, đặc biệt là giầy thể thao và giầy vải.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình thiếu hụt lao động trong sản xuất vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến khả năng đạt mục tiêu kế hoạch của toàn ngành và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý tiền tệ và tín dụng có những phản ứng tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu như ngành da giầy, song tình hình lạm phát và giá cả tăng cao, đặc biệt là giá điện, chi phí vận chuyển và các chi phí dịch vụ, trả công cho người lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp trong toàn ngành.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam cho biết, đứng trước biến động về giá, các doanh nghiệp sản xuất không có lãi, không đủ bù đắp chi phí. Giá nguyên liệu đầu vào rất cao, ngoài chi phí về lao động, việc thay đổi lương tối thiểu làm cho các doanh nghiệp phải trả đóng bảo hiểm cho người lao tăng theo mức lương cơ bản. Bên cạnh đó là các chi phí đầu vào khác như dịch vụ điện nước và các dịch vụ khác tăng lên, sản xuất không có lãi sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên