Ngành hàng “tỷ đô” vùng ĐBSCL tìm hướng phát triển bền vững
VOV.VN - Sản phẩm trái cây vùng ĐBSCL hiện chủ yếu vẫn xuất thô hơn chế biến nên làm giảm giá trị gia tăng, vì thế coi trọng chế biến sâu sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” tổ chức tại Đồng Tháp từ ngày 19 - 20/12, đã diễn ra phiên thảo luận “Chuyển đổi chuỗi trái cây ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”.
Vùng ĐBSCL với diện tích cây ăn trái khoảng 390.000 ha, chiếm hơn 33% diện tích cả nước, cung cấp khoảng 4 triệu tấn trái cây cho thị trường với một số loại cây ăn trái chủ lực như xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, măng cụt, vú sữa… Vùng ĐBSCL cũng là nơi xuất khẩu trái cây lớn nhất cả nước, nhiều trái cây chủ lực của vùng đã xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, phần lớn trái cây của Việt Nam được sản xuất dưới dạng tươi dẫn tới thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hỏng nên chưa thể phát huy hết giá trị gia tăng từ ngành hàng này, khiến trái cây của vùng đang vất vả cạnh tranh với các nước và giá trị xuất khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại. Bên cạnh đó, vai trò liên kết giữa DN và người dân, HTX chưa thực sự tạo động lực cho ngành hàng trái cây của vùng.
Là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây lớn nhất, nhưng vùng ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu về thời tiết, hạn hán, mặn xâm nhập. Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển vùng trồng cây ăn trái được quan tâm nhưng chưa thực sự phát triển bền vững khi sự gắn kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ trái cây.
Ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho rằng, ngành trái cây vùng ĐBSCL có tiềm năng to lớn, mỗi năm xuất khẩu đã mang về giá trị tỷ USD cho Việt Nam. Trước những khó khăn và thách thức đặt ra cho ngành hàng trái cây về liên kết tiêu thụ, chế biến sâu như thời gian qua, cần phải sắp xếp, tổ chức sản xuất ngành hàng trái cây theo hướng hàng hóa khối lượng lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời liên kết vùng trồng cây ăn trái theo hình thức HTX nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm đối với sản xuất cây ăn trái của nông dân.
Cũng theo ông Bùi Hồng Quân, bên cạnh việc tái cấu trúc ngành hàng trái cây, một trong những biện pháp căn cơ là thành lập các DN ngành hàng của từng loại trái cây dựa trên nền tảng liên kết 4 nhà. Khi hình thành liên hiệp ngành hàng cho từng loại trái cây sẽ điều tiết thị trường từ đầu vào và đầu ra, cũng như tạo dựng nên các thương hiệu và đầu tư thúc đẩy việc chế biến sâu cũng là một giải pháp phát triển ngành hàng trái cây ở ĐBSCL.
“Đối với trái cây tươi vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với đó chú trọng khâu bảo quản để đảm bảo chất lượng ngay từ ban đầu. Ví dụ như với trái xoài rất dễ bị tổn thương, khi vận chuyển xuất khẩu hầu như chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị hư, do đó phải tăng giá trị bảo quản lên mới nâng cao giá trị của sản phẩm”, ông Quân nêu.
Theo đại diện doanh nghiệp, để định vị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cần xem xét và lựa chọn ra 5 sản phẩm trái cây là thế mạnh, có tiềm năng cao để xây dựng chiến lược phát triển những loại trái này thành đại diện cho thương hiệu trái cây Việt Nam, làm tiền đề cho để phát triển sản phẩm “Made in Vietnam” trong 5 năm tới. Muốn thực hiện được mục tiêu phát triển thương hiệu trái cây “Made in Vietnam" cần dựa trên 4 trụ cột chính là nông nghiệp tử tế, nông nghiệp sáng tạo, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững.
Cùng với đó, cần phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu, lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng diện tích “cánh đồng lớn” để tạo điều kiện cho mô hình liên kết chuỗi phát triển bền vững, dựa trên tiêu chí bắt nguồn từ nhu cầu của thị trường của doanh nghiệp và sản xuất gắn với tiêu thụ dựa trên nguyên tắc “tuân thủ về tiêu chuẩn, minh bạch về lợi nhuận, chế tài đồng bộ”.
“Gốc rễ và quan trọng nhất đó là xây dựng bằng được nông nghiệp tử tế. Nông nghiệp tử tế là nông dân phải tử tế, DN cũng phải tử tế và quan trọng hơn hết là cơ quan quản lý phải tử tế để tạo nên chuỗi minh bạch, có trách nhiệm trong vấn đề canh tác, sản xuất đến câu chuyện quản lý”, lãnh đạo DN Chánh Thu nêu quan điểm.
Cho rằng trái cây là một trong những ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL, đã được xây dựng được đầy đủ chủ thể từ người dân, người sản xuất, doanh nghiệp, khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, song ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), để phát triển bền vững ngành hàng cần phải có tính liên kết để phát triển bền vững, hiện đại và thể hiện được trách nhiệm và cam kết đối với cộng đồng quốc tế về phát thải thấp.
“Cần đặt vai trò, vị thế cả ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL lên một mức phát triển mới, với một cách nhìn nhận mới. Chúng ta không thỏa mãn kết quả đã đạt được mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng trái cây hiện nay rơi vào khoảng 35 tỷ USD. Điều cần thiết làm sao để bà con nông dân được làm chủ trên không gian của mình, không gian sản xuất, không gian kinh doanh và đặc biệt hạn chế những rủi ro”, ông Toàn lưu ý.
Rõ ràng, vùng ĐBSCL chiếm tỷ trọng rất lớn về xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế sản phẩm của vùng chủ yếu xuất thô hơn là chế biến, nên làm giảm giá trị gia tăng của ngành hàng tỷ USD. Trước thực trạng trên đã thấy được việc chế biến sâu sẽ là một giải pháp hữu hiệu trong sự phát triển của ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ để DN mạnh dạn đầu tư vào các nhà máy sơ chế để tạo dựng thương hiệu, làm chủ thị trường và thúc đẩy xuất khẩu và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cam kết đối với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp./.