Ngành thép lại loay hoay tìm đầu ra

Thị trường BĐS đóng băng, nhiều công trình xây dựng bị đình hoãn… khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành thép rơi vào cảnh đìu hiu.

Những tháng qua tiêu thụ thép trong nước giảm, tồn kho cao, các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, ảnh hướng đến đời sống công nhân, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Bài toán sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm đang khiến các DN thép đau đầu.

DN thép giãi bày khó khăn

Tại hội nghị đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép chiều 27/10 do Bộ Công Thương tổ chức ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Tiêu thụ thép trong nước liên tục trượt dốc, từ mức 480.000 tấn trong tháng 8, đã giảm 100.000 tấn vào tháng 9 và tháng 10 cũng chỉ đạt xấp xỉ 300.000 tấn.

Khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép xuất phát từ nguyên nhân nhiều công trình đầu tư công bị cắt giảm hoặc giãn tiến độ, thị trường bất động sản đóng băng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thụ thép. Mức tiêu thụ bình quân của các doanh nghiệp chỉ đạt 70-74% so với cùng kỳ năm 2010. Thực trạng này đã khiến hàng tháng mỗi doanh nghiệp tồn kho từ 250.000 đến 300.000 tấn thép, đến thời điểm này con số tồn kho lên tới gần 500.000 tấn/tháng.

Vẫn còn một lượng thép tồn kho khá lớn (ảnh minh họa, nguồn KT)

Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào, giá nguyên liệu tăng, lãi suất tăng, giá thép bán trong nước giảm nên nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lỗ... “Nếu với đà này, từ nay đến cuối năm kinh doanh của các công ty thép sẽ âm” – ông Cường bày tỏ lo lắng.

Và một thực trạng đang xảy ra trong ngành thép khiến ông Chủ tịch Hiệp hội lo lắng, đó là có doanh nghiệp ngoài VSA bán phá giá gây rối loạn thị trường; Xuất khẩu thép tăng nhưng nguy cơ bị kiện bán chống phá giá đã và có thể xảy ra (với thép cuộn cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại… Trong nội bộ VSA có tình trạng kiện cáo cho là bán phá giá nhau. Nhiều DN khai thác quặng sắt nhằm mục đích xuất khẩu vì trong nước mua với giá thấp và tiêu thụ khó khăn.

Trong khó khăn chung của kinh tế, DN nào “khéo co thì ấm”. Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết, công ty đã đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rà soát để giảm tiêu hao, khoán giá thành, khoán chi phí tiết kiệm bắt buộc. “Từ nay đến cuối năm và trong những năm tiếp theo để đối phó với tình hình thị trường vật liệu xây dựng bị giảm, gây khó khăn cho việc tiêu thụ thép, công ty sẽ tiết giảm sản xuất khi giá xuống quá thấp để không bị lỗ” – ông Hoàng Văn Tòng nói.

Theo một số doanh nghiệp, Nghị quyết 11 nhấn mạnh đến việc thắt chặt tín dụng chứ không phải là dừng hẳn. Chính vì vậy, có thể vẫn còn những khoảng ưu tiên nhất định về vốn, ngoại tệ cho ngành thép.

Trả lời thẳng thắn về vấn đề này, ông Bùi Quang Chuyện – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) khẳng định: Nghị định 108 nêu rõ 3 đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên vốn là giao thông, điện và môi trường. Thép là một trong 13 mặt hàng thiết yếu nằm trong diện bình ổn nhưng lại không thuộc nhóm ưu tiên này. “Chúng tôi cũng đã làm việc với NHNN và được biết rằng 3 nhóm đối tượng được ưu tiên mà NHNN cũng chưa đủ sức cân đối” – ông Chuyện nói.

Cùng chia sẻ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng, cho rằng: Hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất thép vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu (phôi thép nhập 60% còn thép phế liệu nhập 70%). Các doanh nghiệp thép kêu không có đủ nguyên liệu (trong đó có quặng) để sản xuất. Thế nhưng, các DN khai thác, kinh doanh quặng lại cũng kêu khó vì không biết bán quặng cho ai vì nhà nước đã hạn chế xuất khẩu.

“Các DN thép cũng cần chia sẻ khó khăn với các DN quặng. Họ cũng muốn bán quặng cho các DN trong nước nhưng vấn đề là tiền nong phải sòng phẳng và đừng ép giá. Quặng không bán được, cộng thêm với chính sách của Nhà nước nên họ đành xuất lậu. Thực tế này chẳng ai có lợi” – ông Quân nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, do công nghệ cán thép lạc hậu, chủ yếu là lò cao, nên thời gian qua nhiều lò không hoạt động không phải do không có nguyên liệu mà vì do sản xuất không có lãi.

Sau hàng loạt kêu ca, phàn nàn về chính sách thuế, hải quan của các DN, đại diện Vụ chính sách sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, công cụ thuế luôn được nhắc đến đầu tiên trong lúc DN khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam đã là thành viên của WTO nên việc nâng thuế để bảo hộ DN trong nước là vô cùng khó. Bên cạnh đó, nếu nâng thuế cũng có nghĩa là tăng chi phí cho ngành xây dựng hiện đang bị đình trệ ở nhiều khâu. Chính sách thuế phải nhất quán, lúc tăng, lúc giảm sẽ ảnh hưởng đến đầu tư chung. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thép từ ASEAN và Trung Quốc nên việc điều chỉnh thuế hầu như không có tác dụng (Biểu thuế trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương chỉ còn 5%).

Ngoài ra, vị đại diện Bộ Tài chính cũng thẳng thắn cho rằng: “Các DN thép khi khó khăn thì kêu nhưng khi các đơn vị chức năng cảnh báo thì lại bình chân như vại”.

Gỡ khó cho ngành thép?

Về vấn đề vốn cho các DN, ông Nguyễn Xuân Gia - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, rất cần có sự hiệp thương giữa người sản xuất và người cho vay...

Song song với đó, cần tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm hiểu cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thép thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí, tái cấu trúc sản xuất, sắp xếp lại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Gia cho rằng, trong bối cảnh thông tin thị trường chưa ổn, Bộ Công thương cần tăng cường giám sát thị trường, đảm bảo thông tin đúng, kịp thời… Bộ Công thương cũng cần kiến nghị với các bộ, ban, ngành, cần xử lý linh hoạt việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa tránh những cú sốc lớn cho DN.

Để khắc phục và tháo gỡ khó khăn của ngành thép hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đề nghị, mỗi doanh nghiệp cần chủ động và tìm ra các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Một trong những biện pháp quan trọng là đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm vật tư để giảm chi phí trực tiếp. Các doanh nghiệp cần có những nghiên cứu dự báo khả năng tiêu thụ thép trong năm tới để có kế hoạch sản xuất hiệu quả. Các DN trong ngành cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ để đối phó với các thách thức.

Thứ trưởng cũng thẳng thắn phê bình các DN thép đôi khi vẫn “kêu chưa đúng chỗ. Khi có vướng mắc DN phải có văn bản kiến nghị, đề xuất để cơ quan chủ quản kịp thời tháo gỡ chứ không phải đến lúc có hội nghị, hội thảo mới đưa ra”.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng, cần có mối liên kết giữa DN sản xuất với DN cung cấp nguyên liệu và thực tế đã chứng minh mối liên kết này rất hiệu quả, có lợi cho các bên tham gia.

Những tháng còn lại của năm 2011 được dự đoán là vô cùng khó khăn với ngành thép. Bởi các ngành tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, cơ khí, xây dựng đều suy giảm; bất động sản đóng băng; chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao… Tình trạng cung vượt cầu xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thép xây dựng, thép cán nguội. Ngành thép còn phải đối phó với các sản phẩm thép nhập khẩu với giá cạnh tranh từ Trung Quốc, ASEAN. Và ông Cường cũng thẳng thắn đề nghị, đây là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu ngành thép.

Với những khó khăn sẵn có của năm 2011, bước sang năm 2012, theo ông ông Phạm Chí Cường – ngành thép chỉ dám đưa ra mức tăng trưởng tiêu thụ là 4%./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên