Nghi án ắc qui nhập khẩu trốn thuế: Doanh nghiệp trong nước điêu đứng

VOV.VN -Ngoài trốn thuế, các nhà nhập khẩu ắc qui còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Sau khi loạt bài về gian lận trong nhập khẩu ắc quy được đăng tải, VOV.VN đã nhận được ý kiến đồng tình của các doanh nghiệp sản xuất ắc quy trong nước và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc. 

Đã kiến nghị nhưng cơ quan chức năng chưa ra tay

Về thông tin các doanh nghiệp nhập khẩu ắc qui ghi hóa đơn VAT thấp hơn nhiều lần so với giá bán, VOV.VN có cuộc trao đổi với lãnh đạo (xin ẩn danh) một Công ty sản xuất ắc quy lớn trong nước, khu vực phía Nam.

Vị đại diện này khẳng định: “Chúng tôi biết rõ điều này và đã nhiều lần có ý kiến với đơn vị chủ quản và Bộ Công thương nhưng chưa thấy thay đổi”.

Giá thành sản xuất ắc qui trong nước cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu (ảnh PV)

Thuế nhập khẩu ắc qui trong ASEAN hiện nay là 0%, thuế nhập khẩu ắc qui từ Hàn Quốc hiện nay là 25%. Nhưng tất cả hàng nhập phải đóng VAT 10%. Khi có tình trạng khai hải quan giá nhập thấp hơn giá trị nhiều lần như vậy thì thất thu thuế ở đây rất lớn, trước hết là VAT sau đó là thuế nhập khẩu.

Theo đại diện doanh nghiệp này, “Nhà nước mất rất nhiều tiền. Quan điểm của chúng tôi là nhà sản xuất cần được cạnh tranh sòng phẳng. Doanh nghiệp trong nước đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế, cạnh tranh khốc liệt… để tồn tại, phát triển được như hôm nay là một nỗ lực lớn. Trên thị trường ắc quy cạnh tranh như hiện nay, chênh lệch giá chỉ 1-2% là rất lớn, nếu có tình trạng này thì các nhà sản xuất chân chính rất đau đầu. Vì uy tín, chúng tôi không thể hạ thấp chất lượng làm ra sản phẩm giá rẻ. Với giá thành hiện nay thì còn cao hơn rất nhiều lần so với giá ắc quy nhập khẩu ghi trên hóa đơn”.

Trả lời câu hỏi,Tại sao các nhà nhập khẩu ắc qui lại có thể khai hải quan thấp đến như vậy?”, đại diện của công ty này băn khoăn: Tôi không biết thực hư chuyện kinh doanh thỏa thuận với phía doanh nghiệp bên kia thế nào. Nhưng tôi xin chia sẻ câu chuyện của mà chúng tôi biết. Nhiều khách hàng từ nước ngoài cũng đề nghị chúng tôi xuất hóa đơn với giá thấp, số tiền chênh lệch sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của cá nhân. Nhưng một doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không thể thỏa hiệp làm như vậy được nên chúng tôi đã phải từ chối. Quốc gia nào hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện thì càng dễ xảy ra chuyện đó”.

Như vậy, hiện tượng trốn lậu thuế, gây thất thu ngân sách và làm nhiễu loạn thị trường của các nhà nhập khẩu ắc qui là có và đã được cảnh báo. Tuy nhiên không hiểu lý do gì mà các cơ quan chức năng như hải quan, thuế, quản lý thị trường...vẫn chưa phát hiện ra và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Trốn thuế gần 28 tỷ đồng/năm?

Theo tính toán của các nhà kinh doanh ắc qui, chủng loại ắc quy Hàn Quốc tiêu thụ nhiều nhất giá xuất khẩu khoảng 1.200.000 đồng/chiếc. Nếu nhập từ Hàn Quốc và khai đúng giá số thuế sẽ đóng: 25% thuế nhập khẩu = 1.200.000 x 25%= 300.000 đồng;  10% thuế VAT= 1.200.000 x 10% = 120.000 đồng. Tổng cộng thuế phải đóng = 420.000 đồng (Giá vốn sẽ là: 1.620.000 đồng/chiếc).

Nếu chỉ khai 400.000 đồng, thuế nhập khẩu: 400.000 x 25% = 100.000 đồng, VAT: 400.000 đồng x 10% = 40.000 đồng. Tổng cộng thuế phải đóng = 140.000 đồng. Giá vốn sẽ là: 1.200.000 + 140.000 đồng = 1.340.000 đồng, thấp 17% so với việc đóng đầy đủ thuế.

Mỗi bình ắc qui, nhà nước mất: 280.000 đồng tiền thuế. Theo số liệu của Hải quan, mỗi năm các công ty ắc quy nhập từ Hàn Quốc 2 triệu USD, giá trị đúng sẽ là 6 triệu USD, tương đương 120 tỷ VND = 100.000 bình ắc quy (quy chuẩn), nhà nước sẽ mất khoảng: 280.000 đồng x 100.000 bình = 28 tỷ đồng tiền thuế. Ngoài ra còn ắc quy nhập từ nhiều nước khác nữa, dù không chịu thuế nhập khẩu nhưng cùng với thủ thuật này họ cũng trốn được trị giá thuế VAT phải đóng.

Doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi

Theo tính toán của các nhà kinh doanh ắc qui, mỗi bình nhập lậu trốn thuế giảm được 17% giá. Với cùng mức chất lượng và công nghệ (chưa kể bình trong nước có những nhãn hiệu chất lượng còn tốt hơn bình Hàn Quốc), thì giá thành phải tương đương nhau.

Lợi nhuận bình quân ngành ắc quy chỉ là 3%. Với độ "vênh" 17% như vậy thì giá các bình nhập bán với giá rất thấp. Doanh nghiệp trong nước chỉ có cách hạ giá bán để cạnh tranh, nhưng cho dù hạ xuống bằng giá thành thì giá bán cũng cao hơn bình nhập trốn thuế từ 10-15%. Thực tế thị trường hiện nay giá bán sỉ phản ánh đúng như vậy.

Nhà sản xuất ắc quy trong nước không còn lợi nhuận: Một số công ty ắc quy nhỏ đã lỗ triền miên nhiều năm nay có thể bị phá sản, thị phần ắc quy nội địa đang mất dần (không phải do chất lượng mà do cách làm ăn phi pháp của ắc quy nhập khẩu, cho dù nhà sản xuất trong nước chịu lỗ thì giá ắc quy nhập khẩu vẫn rẻ hơn).

Ngoài ra, người tiêu dùng thường sẵn sàng mua ắc quy ngoại nhập với giá cao hơn hàng trong nước. Vì thế việc nhập ắc quy trốn thuế giá rẻ này không mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng, nhà nước thất thu ngân sách.

Kiểm soát gian lận bằng biểu giá tối thiểu tính thuế nhập khẩu

Giá cả mặt hàng ắc qui hiện nay nhập khẩu về Việt Nam dựa trên tự khai của DN nhập khẩu. Lợi dụng lòng tin của Nhà nước, các nhà nhập khẩu đã kê khai không đúng giá trị thực của lô hàng hóa. Chính vì thế, để siết lại kẽ hở này, Nhà nước phải ban hành được giá tối thiểu tính thuế.Ví dụ như với ô tô, các nhà nhập khẩu phải đóng thuế theo biểu giá tối thiểu.

“Chúng tôi sẵn sàng cộng tác để đưa ra những định mức, giá thành để Nhà nước tham khảo định giá tính thuế” – Một doanh nhân sản xuất cắc qui trong nước khẳng định. 

Cụ thể, có hai vấn đề liên quan đến hàng ắc quy nhập: biểu giá tính thuế và tiêu chuẩn kỹ thuật (không phải là hàng rào) là những qui định gián tiếp bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng hai vấn đề này đều đang bị bỏ ngỏ.

Khi xuất khẩu ắc quy sang một số nước khác họ có những qui định về kỹ thuật mà hàng nhập khẩu phải đựơc chứng nhận từ những phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế được chỉ định bởi nhà nước họ. Chúng ta đã quá lơ là để cho ắc quy kém chất lượng vào trong nước, làm nhiễu thị trường và gây thiệt hại cho  người tiêu dùng.

Khách hàng khi mua ắc quy nhập khẩu, do mác hàng ngoại, thường phải chịu giá cao hơn giá nội địa mà không được cơ quan nào bảo đảm chất lượng. Một số thông số có thể nhận biết ngay khi mua, nhưng một chỉ tiêu quan trọng là tuổi thọ thì người tiêu dùng không thể nhớ được mình đã dùng sản phẩm 1 năm, 1 năm rưỡi, hay 1 năm 4 tháng… Chỉ có thể qua phòng thí nghiệm để đánh giá ngay khi nhập khẩu.

Trách nhiệm bảo hành sản phẩm nhập khẩu cũng yếu kém. Với ắc quy sản xuất trong nước, các công ty sản xuất uy tín đều có trách nhiệm đến cùng, nhưng với hàng nhập khẩu thì vấn đề này lại chỉ phụ thuộc vào người bán hàng.

Thêm vào đó, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất ắc qui cũng đề nghị nhà nước cần quan tâm đến vấn đề môi trường để không chỉ các nhà sản xuất mà các nhà kinh doanh cũng phải có trách nhiệm xử lý ắc quy thu hồi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên