Nghi án ắc quy nhập khẩu gian lận thuế: Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra

VOV.VN-Các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra sau thông quan với các mặt hàng ắc qui; Bổ sung cơ sở dữ liệu giá tham vấn và kiểm tra thuế nội địa.

Trao đổi về “Nghi án gian lận thuế khủng từ hoạt động kinh doanh ắc quy nhập khẩu”  đăng tải trên VOV.VN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết đã giao các đơn vị liên quan kiểm tra sau thông quan với các mặt hàng ắc qui; Bổ sung cơ sở dữ liệu giá tham vấn và kiểm tra thuế nội địa.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Văn bản Hải quan trả lời VOV.VN mới chỉ nói tới việc tham vấn giá, nhưng không nói thời gian thực hiện. Tôi chỉ đạo việc này phải thực hiện ngay trong tháng 6/2014. Còn việc kiểm tra thông quan thì phải thực hiện trong quý 3/2014. Việc nộp thuế, truy thu và phạt thuế của doanh nghiệp cũng phải thực hiện trong quý 3. “Việc làm này nhằm tạo môi trường bình đẳng giữa mặt hàng ắc qui trong nước và nhập khẩu. Ắc qui 1,2 triệu/chiếc, thậm chí là 1,8 triệu đồng/chiếc mà bán cho nhau có hơn 300.000 đồng. Như thế này thì Tia Sáng, Pinaco… chết chứ làm gì được nữa. Quan trọng là phải bình đẳng để các doanh nghiệp trong nước “sống”” – Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế và tiêu chuẩn kỹ thuật

Ông Trần Thanh Văn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ắc qui Miền Nam đề nghị “Cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra để có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại mà bài báo đã nêu. Mong muốn lớn nhất hiện nay của Công ty là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng đất nước và chống thất thu thuế”.


Hai công văn phản hồi của Pinaco và GS sau phản ánh của VOV.VN về nghi án gian lận thuế khủng từ hoạt động kinh doanh ắc quy nhập khẩu

Pinaco cũng kiến nghị Nhà nước cần xây dựng và ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế cho các sản phẩm ắc quy; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm ắc qui..

Các nhà sản xuất trong nước đồng loạt kiến nghị

Ông Tô Văn Thành – Tổng Giám đốc Công ty ắc qui Tia Sáng khẳng định: “Công ty ắc quy Tia sáng rất đồng tình ủng hộ cuộc điều tra này vì trên thực tế chúng tôi thu thập được thông tin phản ánh của thị trường về vấn đề ắc quy nhập khẩu có hiện tượng gian lận thương mại, khai báo hải quan không đầy đủ giá trị- số lượng hàng hóa nhập khẩu và giá trị xuất hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán. Các hành vi hoạt động trên làm cho thị trường ắc quy cạnh tranh không lành mạnh, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ắc quy chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.

Còn ông Masya Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ắc qui GS Việt Nam cũng cho rằng, nếu gian lận thuế từ hoạt động kinh doanh ắc qui nhập khẩu, “là một thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bình ắc qui trong nước, các công ty Việt Nam sẽ không phát triển được, không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không tạo được công ăn việc làm cho người lao động, bên cạnh đó, đây cũng là một thiệt hại lớn về việc thất thu thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam”.

Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, các nhà sản xuất ắc qui trong nước đề nghị các cơ quan chức năng cần thẩm định giá ắc quy nhập khẩu chính xác dựa trên giá thành sản phẩm thực tế. Cần yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phải giải trình được giá trị hàng nhập khẩu vì trên thực tế nguyên vật liệu chính sản xuất ắc quy như chì, lá cách, vỏ,... phụ thuộc vào thế giới. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ số lượng giữa tờ khai và số lượng thực tế nhập. Cơ quan quản lý thị trường cần kiểm soát chặt chẽ trong quá trình lưu thông hàng hóa như hóa đơn, niêm yết giá bán...

Tiếng nói của cơ quan quản lý

Trả lời về nghi án gian lận thuế này, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho rằng: “Việc kê khai thấp giá trị hàng hóa, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì thực chất của việc kê khai gian lận, giá cả thấp hơn giá trị là để trốn thuế. Không chỉ dừng ở việc trốn thuế, kê khai gian lận giá trị hàng hóa trong hóa đơn còn gây lũng đoạn thị trường. Đồng thời, không có nhà sản xuất chân chính nào có thể cạnh tranh được, làm cho doanh nghiệp và sản phẩm của các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng và làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như sản phẩm sản xuất trong nước.”

Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, ông Lam đề nghị: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách không để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở của pháp luật;  Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân; Các cơ quan quản lý cần tăng cường khâu hậu kiểm, kiểm tra ở các điểm kinh doanh để truy thu vào ngân sách nhà nước. Có như vậy mới tạo được sự bình đẳng cạnh tranh về thuế, chống lũng đoạn thị trường và góp phần bảo vệ sản xuất trong nước....”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên