Nghị định 35 ở TP HCM: Một cửa nhưng nhiều khóa

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã rất kỳ vọng Nghị định 35 là giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng sau 3 tháng ban hành, TP.HCM vẫn chưa áp dụng được một số nội dung do chồng chéo.

Thời gian qua, dù TP.HCM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng các doanh nghiệp (DN) làm thủ tục hành chính ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế, nhiều DN ở TP.HCM rất kỳ vọng đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đến nay, sau 3 tháng Nghị định 35 được ban hành, TP.HCM vẫn chưa áp dụng được một số nội dung chồng chéo.

“1 cửa nhiều khóa”

Anh Tuân, nhân viên của của 1 DN y tế đang làm giấy phép xây dựng dự án tại Khu Công nghệ cao ở TP.HCM cho biết, thủ tục của dự án do Ban quản lý khu công nghệ cao cấp. Tuy nhiên, trong hồ sơ dự án phải có nhiều thủ tục liên quan đến nhiều Sở, ngành khác, như Sở Tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy… Mấy tháng nay, anh Tuân phải liên hệ các cơ quan chức năng làm các thủ tục lên quan mà vẫn chưa xong.

“Khi DN làm làm hồ sơ xin cấp phép phép xây dựng, theo quy định phải có giấy đánh giá tác động môi trường (DTM), giấy phê duyệt về phương án phòng cháy chữa cháy, về đấu nối giao thông… Hiện nay, nhà đầu tư phải liên hệ trực tiếp với các Sở chuyên ngành, nếu các khu công nghiệp, khu công nghệ cao giao chức năng (ủy quyền) cho các khu này làm thủ tục “1 cửa”, sẽ thuận lợi cho DN hơn”, anh Tuân bày tỏ.

Nhiều DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM cho rằng, thủ tục hành chính hiện đang thực hiện theo kiểu “1 cửa nhiều khóa”. Khi Chính phủ ban hành Nghị định 35, DN rất mong các thủ tục liên quan đến lĩnh vực môi trường, quy hoạch,… được ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện, có như thế thủ tục hành chính mới theo hướng “1 cửa” thực sự. 

Thực hiện Nghị định 35, hiện nay, UBND một số tỉnh tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước... đã ủy quyền cho ban quản lý các các khu công nghiệp tỉnh thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn chưa làm thủ tục ủy quyền này.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tich Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, DN muốn thành phố đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 35, nhất là việc ủy quyền cho ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao một số thủ tục liên quan đến cấp phép môi trường, điều chỉnh chi tiết cục bộ nội khu.

“Việc gì đúng quy định, pháp luật cho phép cần mạnh dạn làm, vấn đề nào chưa rõ phải báo cáo cấp trên để tháo gỡ. Khi cơ chế đã có nhưng con người không linh hoạt, chủ động, sợ trách nhiệm không dám chủ động, linh hoạt khiến công việc vẫn là nút thắt”, ông Bé chỉ ra.

Quy định chồng chéo nên chưa thực hiện được

Theo Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), hiện nay những nội dung ủy quyền chưa thực hiện được do chưa thống nhất giữa các quy định tại văn bản pháp luật về môi trường và các quy định về phân cấp, ủy quyền. Theo Nghị định 35, các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ tổ chức, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại... Tuy nhiên, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không giao nhiệm vụ và quyền hạn này cho các ban, chỉ yêu cầu các ban phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện.

Do đó, ngày 7/7 vừa qua, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện việc ủy quyền này nhưng đến nay Bộ chưa có văn bản trả lời.

Tương tự, nội dung ủy quyền về môi trường ở lĩnh vực quy hoạch theo Nghị định 35 của Chính phủ, UBND tỉnh được phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư trong khu công nghiệp… Tuy nhiên, Luật Xây dựng năm 2020 quy định nhiệm vụ phê duyệt đồ án quy hoạch này thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện. Còn Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại không quy định UBND cấp huyện được phép ủy quyền cho các ban.

Trước những vướng mắc này, ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, sắp tới, Ban Quản lý sẽ có tờ trình UBND thành phố đề nghị ủy quyền cho Hepza nhiệm vụ "Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp" vì nó thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Đối với nhiệm vụ phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư trong khu công nghiệp, thuộc UBND các quận, huyện.

“Để có cơ sở Ban sẽ tham mưu UBND thành phố có văn gửi Bộ Nội vụ để xem xét, hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền từ UBND các quận, huyện đối với hoạt động điều chỉnh quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền UBND cấp quận, huyện”, ông Trực cho biết thêm.

TP.HCM trước đây từng được xếp hạng thứ 7 trong cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên nhiều năm nay, thành phố đã tụt xuống hạng thứ 14 và chưa cải thiện được thứ hạng. Với vị trí trung tâm kinh tế của cả nước, nơi thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.  Đồng thời, các Bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ những chồng chéo trong quy định của pháp luật để Nghị định 35 phát huy hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính thuận lợi cho DN./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên