Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo!
VOV.VN - Theo Nghị định 80 của Chính phủ, đại lý bán lẻ xăng dầu được phép lấy hàng ở 3 đầu mối. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, quy định này sẽ giúp họ chủ động đàm phán về vấn đề chiết khấu, lợi nhuận, không phải chịu sự “o ép” hoa hồng như thời gian qua.
Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 80) về kinh doanh xăng dầu được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là bước tiến mới trong quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu. Nghị định này được kỳ vọng khi thực thi sẽ giúp thị trường xăng dầu trong nước minh bạch hóa và tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vào thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo.
Không lo đứt gãy nguồn cung nhưng sợ mất khách hàng
Theo Nghị định 80 của Chính phủ, đại lý bán lẻ xăng dầu được phép lấy hàng ở 3 đầu mối. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, quy định này sẽ giúp họ chủ động đàm phán về vấn đề chiết khấu, lợi nhuận, không phải chịu sự “o ép” hoa hồng như thời gian qua. Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ có sự linh hoạt về nguồn cung, nhất là khi thị trường xăng dầu có nhiều biến động.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc cho biết, hiện nay, công ty có 7 cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang và TP.HCM. Trước đây, chỉ được nhập hàng ở một nơi nên phải phụ thuộc, giờ sẽ có cơ hội lựa chọn nơi chiết khấu cao. Tuy nhiên, điều công ty lo lắng là việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày sẽ mất khách hàng.
Bà Nguyễn Thùy Linh cho biết: “Giá lên xuống không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng nhưng lúc nào cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp về lượng mua bán, lượng nhập hàng. Lỡ nhập nhiều giá lên xuống không biết thì doanh nghiệp bị lỗ. Giá lên xuống người mua cũng không biết được nên cũng không dám mua nhiều, hạn chế đặt nhiều lượng hàng. Thời gian điều chỉnh giá cho dài chút, chứ 1 tuần 1 lần thì ảnh hưởng nhiều thứ”.
Các đơn vị vận tải cho rằng, khi các đại lý bán lẻ xăng dầu có nguồn hàng ổn định sẽ tránh nguy cơ đứt gãy nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, thời gian điều chỉnh giá chỉ cách nhau 1 tuần sẽ khó cho các đơn vị vận tải. Bởi, hợp đồng vận tải hàng hóa giữa doanh nghiệp và khách hàng thì giá cước không thể điều chỉnh hàng tuần. Nó liên quan đến chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên không thể điều chỉnh liên tục.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: “Giá xăng dầu tăng lên, công ty vận tải hàng hóa báo cho khách hàng có khi cả tháng mới điều chỉnh được. Khách hàng đâu chỉ ngồi chờ xử lý giá cước vận tải mà còn việc kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ. Chúng tôi nói 1 tháng nhưng thường là hơn 1 tháng thì doanh nghiệp vận tải mới điều chỉnh giá cước được. Nếu theo quy định mới này, giá điều chỉnh hàng tuần thì doanh nghiệp vận tải phải chịu thiệt để chờ cả tháng mới có thể điều thôi, chứ chúng tôi không thể làm phiền khách hàng được”.
Lo khó kiểm soát chất lượng
Nghị định 80 cũng quy định điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh này được các thương nhân phân phối đánh giá cao, bởi sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới. Thời gian điều hành ngắn hơn cũng giúp cơ quan điều hành quản lý rủi ro tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây biến động thất thường.
Còn việc áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định 80 cũng được đánh giá là tạo sự công khai minh bạch, cạnh tranh công bằng, chống hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh những điểm hợp lý, đột phá thì theo các thương nhân đầu mối, Nghị định 80 quy định về việc đại lý bán lẻ xăng dầu được nhập hàng ở 3 nơi khiến họ lo lắng về việc quản lí chất lượng.
Ông Trịnh Đình Tuấn, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Sông Bé cho biết, theo Luật thương mại, đại lý bán lẻ chỉ nhận hoa hồng, chất lượng là do thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm. Giờ đây, đại lý mua ở 3 nơi và không có bể chứa riêng, khi xảy ra sự cố về chất lượng thì phải chịu trách nhiệm:
Ông Trịnh Đình Tuấn cho biết: “Đại lý không chứng minh được mua của người này người kia. Khi chứng minh được mua của đầu mối nào mà chất lượng không tốt thì trách nhiệm thuộc về đầu mối, của thương nhân. Còn nếu không chứng minh được thì tất cả trách nhiệm đều đổ vào đại lý. Trong điều khoản của Nghị định 80 quy định, nếu đại lý vi phạm chất lượng sẽ bị rút giấy phép”.
Nghị định 80 được ban hành trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Nghị định 83 và 95 của Chính phủ về quản lí lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định có tính ưu việt cao, khắc phục những hạn chế trong việc lưu thông mặt hàng đặc biệt là xăng dầu, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc từ khâu cung cấp, đại lí, đưa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn những khúc mắc chưa giải quyết triệt để.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP.HCM nói, việc quy định 1 tuần điều chỉnh giá bán xăng dầu sẽ khó cho Sở Công Thương các địa phương trong việc kiểm soát thị trường. Do đó, Sở Công Thương các địa phương phải có phương án, những quy định cụ thể trong việc kiểm soát giá bán. Việc giá bán cũng phải được các cơ quan chức năng, truyền thông công bố liên tục để người dân cùng giám sát.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết: “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua cũng có nhiều thông tin trái chiều, bỏ hay giữ. Theo Nghị định này thì vẫn giữ, nhưng phải giám sát chặt chẽ hơn. Tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng nên tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này để ít nhất là qua năm 2024 phải có cơ chế quản lí lâu dài, thuận lòng với các cơ quan, các tổ chức kinh doanh xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho chính họ và người dân”.