Nghịch lý đường sắt Việt Nam: Hiện đại rồi tụt đi đâu?
VOV.VN - Việt Nam là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại, nhưng sau 100 năm thì kém dần và nay thì thực sự rất lạc hậu.
Sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật đường sắt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn Việt Nam sớm có một hệ thống đường sắt hiện đại, kết nối với các phương thức vận tải khác để khai thác hết tiềm năng và lợi thế của đường sắt ở nước ta.
Sau 100 năm, đường sắt Việt Nam đang đi từ hiện đại xuống lạc hậu.
Mong sớm có đường sắt hiện đại
Để sớm có hệ thống đường sắt hiện đại, ĐB Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau -Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT) cho rằng, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt, trong đó cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào đường sắt.
“Tôi thấy tiếc khi trong thời gian rất dài, đầu tư cho giao thông đường sắt vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng. Việt Nam là một trong những nước có đường sắt vừa lỗi thời, vừa không bảo đảm an toàn”.
Theo ĐB Hoàng, việc xã hội hóa để kêu gọi đầu tư vào đường sắt là rất cần, nhưng cách thức tính toán không khéo, mời gọi đầu tư rất khó khăn.
ĐB Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau). |
ĐB Hoàng phân tích, với nhà đầu tư, nếu không có lãi, họ sẽ không tham gia. “Có thể chỉ khuyến khích xã hội hóa được với những trục lộ có thể giúp nhà đầu tư thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý. Bên cạnh đó, phải tổ chức những con đường đấu nối do Nhà nước bỏ vốn đầu tư, nhất là những đoạn đường sắt đấu nối ở những trục vùng cao, vùng còn khó khăn. Ngoài ra, cần tạo ra mặt bằng sạch để nhà đầu tư dễ dàng triển khai dự án đường sắt tốc độ cao”.
ĐB Hoàng gợi ý, thời điểm này rất cần đầu tư đường sắt tốc độ cao, nếu không có khả năng đầu tư toàn tuyến, có thể đầu tư từng đoạn.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) mong rằng nước ta sẽ sớm được sử dụng đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp.
“Tôi ủng hộ việc bổ sung một số quy định cơ bản về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này, bởi việc này sẽ tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”.
“Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao. Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền. Dự án không chỉ giúp phát triển ngành GTVT mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương nơi dự án đó đi qua. Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng dự án này mang lại, chúng ta sẽ không phải vay vốn. Nếu không phải vay vốn, chúng ta sẽ chủ động trong việc chọn công nghệ phù hợp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Sau này người dân, doanh nghiệp sẽ được sử dụng tuyến đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp do nhà nước đầu tư”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Theo ông Cảnh, Chính phủ nên quan tâm cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có, việc này không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hóa tối đa dự án đường sắt tốc độ cao và là tiền đề để chúng ta tiến tới làm chủ công nghệ các công trình giao thông đường sắt.
Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng. |
Còn Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Phát triển đường sắt là vấn đề tất yếu. Một quốc gia như Việt Nam mà chỉ dựa vào đường bộ và hàng không là chủ yếu sẽ rất khó khăn, bởi các loại hình này chủ yếu vận chuyển hành khách và hàng hóa ít cồng kềnh. Còn những loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng phải biết dựa vào đường sắt, đường thuỷ. Tôi hy vọng Luật Đường sắt sửa đổi lần này sẽ tạo ra chính sách đột phá cho loại hình vận tải này phát triển.
Hiện, đường sắt của chúng ta đang thuộc loại lạc hậu nhất thế giới, lạc hậu cả về hạ tầng, công nghệ và quản lý. Với đà phát triển kinh tế của mình, giao thông phải đi trước, trở thành huyết mạch, trong đó, đường sắt là con đường tất yếu”.
Tuy nhiên, theo TS Lưu Bình Nhưỡng, việc đi tìm con đường đột phá cho đường sắt không dễ dàng trong bối cảnh khó khăn, ngân sách không đủ chi cho vấn đề này. Nếu vay nhiều thì thành nợ công, không trả được nên vay phát triển đường sắt chỉ nên áp dụng đối với những hạng mục nhất định có thể thu ngay về cho ngân sách để trả nợ.
Đại biểu Võ Đình Tín cho rằng Luật đường sắt sau khi ban hành phải tạo động lực phát triển ngành một cách toàn diện. Do đó, phải có chính sách xã hội hoá mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường sắt.
Đường sắt Việt Nam từ hiện đại xuống lạc hậu
Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước có hệ thống đường sắt hiện đại từ 100 năm trước và nay thì thực sự rất lạc hậu, nhưng nay tỷ trọng đầu tư cho ngành này ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng cơ cấu đầu tư ngành giao thông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa. |
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, thời gian qua, lĩnh vực vận tải đường sắt không được quan tâm nhiều. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, đầu tư cho ngành đường sắt chỉ chiếm khoảng 3% tổng cơ cấu đầu tư của ngành giao thông, trong khi đường bộ là gần 90%.
"Năm 2016, chúng tôi báo cáo trong Hội nghị doanh nghiệp với Thủ tướng, vận tải đường sắt với hàng hoá chỉ còn 0,4%, đó là một trong những lý do dẫn đến chi phí vận tải của chúng ta rất cao so với thế giới", ông Nghĩa nói và cho rằng, thời gian tới cần phát huy được các phương thức vận tải lớn, chi phí thấp và đặc biệt là an toàn như đường sắt, đã đến lúc cần phải cơ cấu sao lại để có thể phát huy được các phương thức vận tải lớn, chi phí thấp và đặc biệt là an toàn./.