Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%
Nếu được thông qua, năm 2014, dự kiến thu NSNN từ thuế thu nhập DN khoảng 137.000 tỷ đồng.
Đó là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/3.
Phiên họp cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho biết, Dự thảo Luật quy định mức thuế suất phổ thông giảm từ 25% theo Luật hiện hành xuống còn 23% và áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Nếu mức thuế suất này được thông qua thì từ năm 2014, dự kiến thu ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 14.064 tỷ đồng.
Việc giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp nhận được đa số các ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ xem xét giảm xuống còn 20%. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc giảm thuế thu nhập xuống 20% sẽ giúp các doanh nghiệp tích luỹ được vốn, tiếp tục sử dụng để đầu tư trở lại cho sản xuất, củng cố và tăng cường cho nguồn thu của Nhà nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai cho biết, thực hiện chiến lược thuế đến 2020, Chính phủ đề xuất thuế suất phổ thông là 23% dựa trên tính toán nhưng tác động giảm thu ngân sách. Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn, cùng với việc giảm thuế thu nhập cá nhân (từ 1/7/2013), thu ngân sách sẽ thêm khó khăn.
Còn về việc Chính phủ đề nghị thực hiện ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống còn 20% bởi số doanh nghiệp này chiếm tới 87% tổng số doanh nghiệp và là đối tượng dễ tổn thương trước biến động kinh tế và cần khuyến khích phát triển hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu đưa mức thuế suất phổ thông xuống còn 20% và thực hiện từ năm 2014.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu Chính phủ cần tính toán mức bù đắp thu ngân sách từ các nguồn khác thì nên thực hiện ngay mức thuế suất 20% không phân biệt loại hình doanh nghiệp từ năm 2014. Nếu giảm nguồn thu quá lớn thì cần vạch ra lộ trình cụ thể về giảm thuế suất để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Với đối việc ưu đãi thuế, Dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi đối với tổ chức tài chính vi mô; ưu đãi thuế đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối, sản xuất giống cây trồng và giống vật nuôi; ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh...
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến đồng tình với việc mở rộng diện được ưu đãi thuế nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng tới lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, hợp tác xã nông nghiệp, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ phụ trợ của một số lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm với mức thuế suất ưu đãi là 10% trong thời gian 10 năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, một số ngành nghề nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì áp dụng mức thuế ưu đãi (10%). Ví dụ ngành nghề kinh doanh phục vụ đánh bắt cá xa bờ nên miễn thuế cho doanh nghiệp, hay các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật phục vụ cho nông dân ở vùng nông thôn đặc biệt khó khăn… Dự thảo Luật sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 6 tới./.