Ngư dân Bình thuận làm “nhà” cho cá
VOV.VN - Từ đầu tháng 3 âm lịch đến nay, dọc theo ven biển các phường: Mũi Né, Phú Hài, Thanh Hải, Đức Thắng, ở TP. Phan Thiết; vùng biển Liên Hương, Phan Rí Cửa ở huyện Tuy Phong… rất nhiều chỗ tập kết cây lá và đá để làm cội chà đưa xuống biển, tạo nơi trú ẩn, sinh sản cho các loài cá, giúp ngư dân nâng cao hiệu quả nghề cá ven bờ.
Các cội chà được làm bằng vật liệu, như: Tre, nứa, cây, lưới bao cuộn những hòn đá… nhằm tạo nơi trú ẩn, dẫn dụ cá nhưng lâu ngày bị hư hỏng nên cần phải được tu bổ hàng năm vào đầu vụ cá Nam (rải rác từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch).
Theo các lão ngư ở biển Phan Rí Cửa, tu bổ cội chà là cột thêm đá, tàu dừa và nhiều loài cây to còn để cả cành, lá thả xuống biển tạo bóng mát cho các loài cá, mực vào trú ẩn. Cách thả chà, tu bổ cội chà phổ biến là dùng đá lớn, lá dừa… buộc vào các cây tre (lồ ô), sau đó chọn vùng biển thích hợp, có độ sâu trên dưới 10 sải tay (15 - 20m) để thả xuống, trên cùng được đánh dấu bằng phao có dây cột cố định.
Ông Trần Văn Đức, một ngư dân ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, nghề mành chà cũng là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân vùng biển Bình Thuận. Lợi dụng tập tính các loài cá nổi thường tập trung núp bóng ở các gò, rạn, vật trôi nổi trong nước, ngư dân thường thả những gốc chà dọc ven biển để thu hút các loại cá thường là cá nục, cá chỉ vàng, bạc má,... Khi đàn cá di chuyển qua, gặp các gốc chà, chúng thường tụ tập lại để bắt mồi, chà càng lớn, nhiều bóng mát cá càng tụ tập nhiều.
Theo ông Đức: "Hiện nay, chúng tôi đang hoạt động trên vùng biển Phan Rí Cửa. Cội chà của ngư dân chúng tôi nuôi hoàn toàn ngư dân Phan Rí, cộng cả ngư dân Phan Thiết lên làm. Cả ngư dân Bình Thuận này phụ thuộc cào cội chà. Nhờ cội chà mà có cá, tôm và mực".
Theo người dân vùng biển, nghề mành chà trước đây rất phổ biến, nhưng gần đây đang bị mai một dần do nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt nên nhiều ngư dân bỏ nghề./.