Ngư dân yên tâm bám biển nhờ "trợ lực" từ lực lượng kiểm ngư
VOV.VN - Những năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, sát cánh cùng ngư dân, trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con khai thác trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.
Với chức năng, nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình trên biển; tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ ngư dân, những năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã phát huy cao nhất vai trò là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Trong 8 năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã chỉ đạo, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trên các vùng biển được giao quản lý, hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển, thêm lục địa của tổ quốc.
Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Đình Luân, mặc dù, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức nhưng trong một thời gian ngắn, sau khi được thành lập đến nay, với nhiệm vụ hết sức thiêng liêng lực lượng Kiểm ngư luôn nỗ lực, vượt qua những khó khăn, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Lực lượng Kiểm ngư đã tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn góp phần giảm thiểu tai nạn trên biển và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Thời gian tới, nhiệm vụ còn rất nặng nề, đặc biệt công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), lực lượng Kiểm ngư cần đoàn kết, cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đưa lực lượng Kiểm ngư Việt Nam ngày càng lớn mạnh phát triển, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Ông Trần Minh Nhanh, Thuyền trưởng tàu cá BTh 99979 TS quê ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận làm nghề khai thác cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa cho biết: Những năm qua, khi khai thác xa bờ, ông và nhiều ngư dân khác rất yên tâm vì bên cạnh các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển thì bà con còn luôn nhận được sự hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư.
Với ngư dân Nguyễn Quang Thoại, thuyền trưởng tàu QB91124 TS quê ở Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình không thể quên những giây phút sinh tử khi tàu ông gặp nạn trong một cơn bão. Khi đã được tàu của lực lượng Kiểm ngư cứu nạn, đưa vào bờ an toàn ông và các thuyền viên trên tàu vẫn chưa hết bàng hoàng.
"Năm 2019, tàu ông đánh bắt cá ở khu vực biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 60 hải lý thì bị hỏng máy, trôi tự do nên phát đi tính hiệu cầu cứu. Thời điểm ấy bão số 4 đang hoành hành trên biển, nên mưa to, gió lớn, sóng biển cao 5-6m. Trong giây phút sinh tử, có những lúc đã nghĩ đến việc cả 14 người sẽ chết trên biển. May mắn chúng tôi được thuyền viên Chi đội Kiểm ngư số 3 cứu sống, an toàn cả tàu và người vào bờ. Đó là điều thần kỳ", ông Thoại bùi ngùi nhớ lại.
Còn ngư dân Nguyễn Minh Quang, Thuyền trưởng tàu BV 92917 TS quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi không giấu được nỗi sợ hãi khi nhắc về sự cố “giáp mặt” với 2 tàu của lực lượng thanh tra thủy sản Indonesia vào ngày 11/7/2021. Anh Quang cho biết, khi tàu của anh và 1 tàu bạn đang đánh bắt trên ngư trường ở khu vực Tây Nam Tư Chính thuộc vùng biển Việt Nam, còn cách đường phân định rất xa thì đột nhiên một chiếc tàu thủy sản Indonesia từ đâu xuất hiện và cho rằng, đội tàu của anh xâm phạm ngư trường, họ dùng vũ khí trấn áp, bắt 9 ngư dân dồn lên tàu của họ, để lại 2 thuyền trưởng đồng thời đưa 4 thủy thủ của họ qua và khống chế điều khiển tàu của anh về bên phía biển Indonesia. Anh em ở hai tàu đều hoảng loạn. May sao, một ngư dân trên tàu đã nhanh trí kêu cứu lực lượng Kiểm ngư qua tần số đàm thoại. Gần 2 giờ sau, 2 tàu Kiểm ngư KN 219 và KN 261 (Chi đội Kiểm ngư số 2) đã kịp thời có mặt, hỗ trợ, giải cứu thành công, đưa 9 ngư dân về lại tàu cá BV 92917 TS và trả 4 người công vụ về tàu Indonesia.
Với nhiệm vụ thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển được phân công; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật và nhiều nhiệm vụ khác, thời gian qua Lực lượng Kiểm ngư nỗ lực tham gia công tác phòng chống thiên tai và phối hợp cứu hộ, cứu nạn, tuyên truyền pháp luật biển cho ngư dân khai thác trên vùng biển quản lý.
Ông Nguyễn Minh Lành, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư 4 cho biết: "Do diễn biến thời tiết nhiều bất thường nên đội tàu của Chi đội được tăng cường trực trên biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi có tình huống xấu xảy ra. Bất luận là đêm tối, mưa bão hay sóng to, gió lớn, mỗi khi có lệnh là cán bộ, thuyền viên Chi đội đều sẵn sàng cơ động, nhanh chóng nhất để kịp thời cứu giúp ngư dân, bởi vì với chúng tôi đó chính là “Mệnh lệnh từ trái tim” và “Cứu bà con như cứu chính người thân của mình”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, nhất là mùa mưa bão, các tàu của Chi đội Kiểm ngư số 4 luôn chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi nhận được thông tin".
Quản lý vùng biển rộng, giáp ranh, chồng lấn với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan và toàn bộ vùng biển DK1 thời gian qua Chi đội Kiểm ngư số 2 đã thực hiện hơn 300 lượt tàu hoạt động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra, bảo vệ ngư trường tại khu vực biển giáp ranh. Trong mỗi chuyến thực hiện nhiệm vụ (thường hơn 1 tháng) các tàu phải xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, thanh tra ngư trường theo định kỳ ngày, tuần hoặc đột xuất khi có thông tin về tàu cá ngư dân hoạt động.
Ông Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2 đánh giá: Các tàu cá của ngư dân nước ta đa phần khai thác đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số tàu chấp hành chưa nghiêm các quy định và pháp luật thủy sản, như hoạt động khai thác sai vùng, tuyến; thiếu giấy tờ theo quy định, không đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải; khai thác tự do, tự phát, sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, như thuốc nổ, xung điện, chất độc…Vì vậy Chi đội Kiểm ngư số 2 đã phối hợp với ngành thủy sản và các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống đánh bắt bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU).
Song song với nhiệm vụ tuần tra, Chi đội Kiểm ngư số 2 đã thường xuyên kết hợp việc kiểm tra hành chính với tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật trên biển, nhất là với các tàu cá đang khai thác gần đường phân định. Nếu tàu nào có ý định sang phía Nam đường phân định Việt Nam-Indonesia để đánh bắt, Lực lượng Kiểm ngư đã kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật hiện hành của Việt Nam. Anh Nguyễn Hữu Thành, Thuyền trưởng tàu KN 213 cho biết: Thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát ngư trường, tàu đã phát tờ rơi, trực tiếp hướng dẫn cho ngư dân hiểu nội dung Luật biển Việt Nam, đường phân định thềm lục địa và các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác thủy sản. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trên biển được nâng cao, góp phần duy trì ngư trường ổn định trong khu vực.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật, các tàu Kiểm ngư luôn chú trọng hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu như thuốc chưa bệnh thông thường, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, rau xanh, thịt cá, mỳ tôm và các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh cho ngư dân, kịp thời cấp cứu các trường hợp bị tai nạn trên biển.
Giữa mênh mông sóng gió, những cán bộ, thủy thủ trên những con tàu của Chi đội Kiểm ngư số 2,3, 4 đã và đang thầm lặng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ ngư trường, thực thi pháp luật về kiểm ngư và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển. Những việc làm thiết thực đó để lại hình ảnh đẹp về lực lượng Kiểm ngư trong ngư dân, giúp họ tự tin hơn trên hải trình vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản; hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản đối với ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã triển khai có hiệu quả. Trước tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý có những diễn biến phức tạp, dẫn tới cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với nghề cá Việt nam; Lực lượng Kiểm ngư đã tập trung triển khai tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm, đồng thời thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Ban chỉ đạo Trung ương các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam xâm phạm trái phép vùng biển của các nước./.