Người cao tuổi muốn làm kinh tế nhưng gặp nhiều khó khăn
VOV.VN - Nhiều người cao tuổi dù vẫn có khả năng, kinh nghiệm và muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn, thiếu sự trợ giúp.
Ngày 3/11, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức diễn đàn “kinh tế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi”.
Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Hiện cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm gần 12% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo 10 năm nữa, người cao tuổi chiếm 17% dân số.
Theo nghiên cứu, 40-50% người cao tuổi có thể tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt, chăn nuôi đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động ở khắp các vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, còn có hàng vạn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, không ít người cao tuổi có sức khỏe và khả năng lao động những không tìm được công việc phù hợp. Các quy định về về lao động cho người cao tuổi vẫn hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa hình thành.
Ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội cho biết, đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc không biết tìm việc ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bàn bè, cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều.
Người lao động trong nhóm 45 tuổi trở lên có ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm qua các kênh tuyển dụng chính thức. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Do đó, nhà nước cần có các chính sách nhằm phát huy sinh kế và tạo việc làm cho người cao tuổi.
“Chúng ta phải xác định được nhóm đối tượng cần về sinh kế để hỗ trợ, đặc biệt là khu vực nông thôn. Chính sách sinh kế cho người cao tuổi phải có sự khác biệt với nhóm đối tượng khác nhau. Không thể lấy một chính sách sinh kế chung cho người cao tuổi cả nước áp dụng cho người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Chính sách sinh kế phải phù hợp với đặc thù vùng miền ở các địa phương, bởi mỗi vùng miền có đặc thù khác nhau, nếu không tính đến vùng miền mà đưa chính sách áp dụng cho tất cả thì không bao giờ vào được những vùng khó khăn”, ông Nguyễn Hải Hữu nêu ý kiến.
Theo TS. Nguyễn Lê Minh, chuyên gia kinh tế lao động, trong số hàng triệu người cao tuổi, có 60-70% sống phụ thuộc vào con cháu. Phần lớn người lao động nghỉ hưu chủ yếu dựa vào lương hưu trong khi sức khỏe và khả năng lao động vẫn còn.
Thời gian vừa qua, nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở môt số đối tượng. Do đó, thời gian tới, những tổ chức như Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Người cao tuổi cần có thêm các giải pháp phù hợp để quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho người cao tuổi tiếp tục làm việc
“Chúng ta không chỉ quản lý và trợ giúp cho những doanh nghiệp bình thường, đối với người cao tuổi cũng cần trợ giúp, đôi khi chỉ bằng lời khuyên, bằng sự phân tích ý tưởng cho người cao tuổi. Vì thế, vai trò của các tổ chức như VCCI, các tổ chức nghề nghiệp là rất quan trọng trong việc phân tích, tư vấn cho người cao tuổi ý tưởng. Khi có sự phối hợp, trợ giúp của Nhà nước sẽ là điều kiện tốt cho khởi sự doanh nghiệp nói chung và người cao tuổi nói riêng đều có những thuận lợi”, TS. Nguyễn Lê Minh chỉ rõ./.