Người dân An Giang thoát nghèo nhờ nghề bó chổi sậy
VOV.VN - Trong khi nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp giảm công suất, giảm lao động… nhưng đối với làng nghề bó chổi sậy ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vẫn có thu nhập ổn định, giúp hàng trăm lao động phát triển kinh tế.
Trong khi nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp giảm công suất, giảm lao động… nhưng đối với làng nghề bó chổi sậy ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, không chỉ đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân mà còn giúp hàng trăm lao động bị thất nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… trở về quê nương tựa, mưu sinh.
Chị Hà Vy, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: “Lúc trước tôi làm cho một nhà hàng tại tỉnh Bình Dương, từ khi có dịch Covid-19 phải ở nhà, sau đó làm ở quê luôn. Tôi làm chổi ở đây cũng được hơn một năm rồi; làm ở đây thấy cũng tạm ổn”.
Còn chị Đoàn Thị Như Ý, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chia sẻ: “Từ trước giờ tôi ở quê luôn, vì học cấp một rồi đến hết cấp hai là nghỉ; nghỉ xong ở nhà giữ em với mẹ… Khoảng 2-3 năm sau tôi đi làm chổi, làm được hai năm rồi; làm ở đây ổn, mỗi tháng cũng được 5-6 triệu đồng”.
Đây là 2 trong hàng chục lao động đang bó chổi tại cơ sản xuất chổi của anh Đào Trung Hiếu, tại địa phương này.
Anh Đào Trung Hiếu cho biết, trước đây gia đình anh cũng đã gắn bó với "Làng nghề bó chổi sậy" tại địa phương hàng chục năm; tuy nhiên, anh lại không theo nghề này, mà đi làm công nhân tại Bình Dương.
Cách đây 4 năm, sau thời gian về chăm sóc vợ sinh nở, để có thời gian chăm lo cho gia đình, anh không trở lại Bình Dương làm công nhân, quyết tâm ở lại quê nhà để lập nghiệp bằng chính nghề truyền thống bó chổi. Để mở cơ sở bó chổi, ban đầu anh đã đầu tư số tiền hơn 700 triệu đồng, bằng tiền tiết kiệm và vay mượn thêm.
Đến thời điểm này, cả vốn đầu tư ban đầu và vốn để xoay vòng mua nguyên liệu để gia công chổi là gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất, đưa ra thị trường khoảng hơn 3.000 cây chổi.
Anh Hiếu chia sẻ: “Thị trường tiêu thụ chủ yếu: Campuchia, chiếm khoảng 70%; còn 30% chia đều cho thị trường nội địa, Indonesia và Thái Lan. Tùy theo đơn hàng, có thể một tuần là tôi lên 4-5 xe hàng. Hiện tại thời điểm này đang in đơn hàng, mà công nhân làm cho tôi khoảng 46 - 47 người; tiền công nhân hàng ngày không là khoảng 7 triệu đồng; đấy là mình tính gọn vậy thôi, còn gia công nhiều chỗ, tính ra còn nhiều tiền hơn thế nữa.
Những tháng mà rộ, đó chính là những tháng gần Tết của Campuchia, thời điểm này đơn hàng nhiều hơn, công nhân mỗi ngày khoảng 6 mấy đến bảy chục người”.
Làng nghề bó chổi này, đã có từ hàng chục năm trước, tập trung nhiều nhất ở ấp Bình Thành. Nếu như trước đây, bông cây sậy là nguyên liệu chính để sản xuất chổi, mà chỉ có vào mùa nước nổi. Hiện nay, chổi lại được làm bằng bông của cây đót, nguyên liệu này được nhập về từ các tỉnh miền Trung, không phụ thuộc theo mùa, nguyên liệu rất dồi dào, nên sản xuất quanh năm.
Theo người dân ở làng nghề này, hiện nay việc bó chổi đã có một số máy móc hỗ trợ như: máy “bắn” ốc vào cán, máy tra cán…nên chổi đảm bảo được độ chắc bền và đẹp hơn. Tuy nhiên, đa số các công đoạn trong việc bó chổi vẫn phải làm thủ công. Một cây chổi dù bằng cán nhựa hay cán trúc đều qua các công đoạn vào lọn, bó, bện, gianh… máy móc hiện đại cũng không thể thay thế sự khéo léo qua đôi bàn tay người thợ.
Ông Cao Văn Mức, ấp Bình Thành, xã Phú Bình, đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề này chia sẻ, mấy năm dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, hàng làm ra nhưng tiêu thụ rất khó; hiện nay, việc sản xuất đã ổn định trở lại, nhưng tình hình sản xuất vẫn không bằng thời điểm trước dịch.
“Ngày xưa chúng tôi lấy bông sậy ở tuốt Cà Mau, U Minh Thượng-Kiên Giang…nhưng được một thời gian sau hết. Sau này mới có bông đót ở vùng ngoài, người ta bán, giao cho mình quanh năm không thiếu hàng. Ngày trước tôi mua cán chổi của người ta, khi cần thì người ta đưa không đủ làm, cho nên tôi mới mua cái máy làm cán chổi này về, cũng chỉ làm cán chổi cho mình không bán cho ai. Mỗi ngày tôi làm được khoảng 1.000 cây chổi; trừ nhân công làm hết, mỗi cây chổi cũng kiếm được 1.000 đồng” - ông Mức bày tỏ.
Năm 2006, làng nghề bó chổi bông sậy này được UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Hiện Làng nghề này có khoảng 350 hộ làm, với khoảng hơn 700 lao động tham gia ở 7 công đoạn của quá trình sản xuất ra cây chổi. Bình quân mỗi tháng, làng nghề này xuất xưởng hơn 200.000 cây chổi.
Sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong nước mà cả ở ngoài nước như: Campuchia, Indonesia, Thái Lan... Nhờ có đầu ra ổn định, nên lao động làm nghề này có cuộc sống khá. Bình quân thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Để duy trì làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, UBND xã và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Tân luôn tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp, phục vụ sản xuất, nhờ đó mà người dân có được việc làm, cuộc sống dần ổn định hơn.
Không chỉ là sinh kế ổn định cho người dân địa phương, việc bó chổi còn tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở các xã lân cận đến làm gia công. Ngoài ra còn giúp cho hàng trăm công nhân, người lao động bị thất nghiệp từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… trở về nương tựa, mưu sinh.
Anh Hồ Thành Thật, cán bộ quản lý làng nghề, xã Phú Bình, huyện Phú Tân cho biết: “Làng nghề này đã giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nói chung, ai làm trong làng nghề cũng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Theo nhu cầu của thị trường, đòi hỏi phải làm nhiều mẫu mã, đa dạng hơn; địa phương và huyện An Phú cũng tính làm cái thương hiệu cho làng nghề này; thành lập một HTX để liên kết với nhau, hình thành sản phẩm “Chổi Phú Bình”, để bán ra ngoài thị trường với giá thành cao hơn”.
Làng nghề bó chổi sậy ở xã Phú Bình đã và đang giải quyết tốt việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Do đó, việc duy trì và phát triển làng nghề này nói riêng, các làng nghề truyền thống nói chung trên địa bàn tỉnh An Giang cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Từ đó, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của địa phương./.