Người dân mong đợi kết quả thanh tra nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam
VOV.VN - Từ ngày 1/7, đoàn thanh tra của Bộ Tài Nguyên Môi trường tiến hành công tác giám sát, kiểm dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam.
Bắt đầu từ ngày 1/7, đoàn thanh tra của Bộ Tài Nguyên Môi trường tiến hành công tác giám sát, kiểm tra xem xét các hồ sơ liên quan đến dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man Việt Nam; đồng thời trực tiếp kiểm tra hàng loạt hạng mục của dự án như nhà xưởng, hệ thống xử lý nước thải. Đa số người dân mong mỏi có sự nghiêm minh, minh bạch, nhất quán trước và sau khi thanh tra những vấn đề liên quan đến môi trường của nhà máy.
Nhà máy giấy nằm giáp nhiều mặt sông lớn.
Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt đầu công tác kiểm tra nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam từ ngày 1/7. Thế nhưng, đối với các cơ quan truyền thông đại chúng gần như khó tiếp cận hay nói cách khác là không thể đến gần cổng ra vào của nhà máy có quy mô lớn nhất Việt Nam này.
Trong đó, khi những phóng viên của Đài TNVN vừa đến cổng nhà máy, nhóm bảo vệ được bố trí dầy đặc trước cổng nhà máy giấy Lee&Man nói rằng: “Phải có hẹn trước mới được. Công ty của tôi báo là khách đoàn nào có cho vào thì bảo vệ mới cho vào được. Không có nhà báo, phóng viên báo đài gì vào được hết. Chỉ có cảnh sát môi trường của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên môi trường với các sở của Hậu Giang mới cho vào”.
Người dân Hậu Giang, cộng đồng sinh sống dọc theo dòng sông Hậu ngóng chờ những kết quả trung thực, minh bạch của đoàn thanh tra mà phần lớn người dân theo dõi được chỉ qua báo chí.
Anh Nguyễn Văn Sên, ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho rằng những thông tin qua báo chí đã giúp người dân có thêm thông tin về những tác động đến môi trường nếu việc xả thải của nhà máy giấy Lee&Man không kiểm soát những tác động. Cho nên, anh Sên cho rằng người dân đặt nhiều kỳ vọng vào sự vào cuộc công tâm, khách quan của đoàn thanh tra: “Đương nhiên là lo vấn đề ô nhiễm nguồn nước rồi. Sợ xả thải gây ô nhiễm. ở đây, tất cả người dân đều sử dụng nguồn nước sông cho sinh hoạt, sản xuất, tắm giặt, nấu nướng. Rất mong đoàn thanh tra kiểm tra thật rõ ràng, thực tế. Làm sao kiểm tra thật kỹ việc xả thải để đừng gây ô nhiễm”.
Bè cá nuôi trên dòng nước sông Hậu gần nhà máy giấy. |
Điều rất quan tâm mà nhiều người dân sinh sống gần khu vực xây dựng nhà máy cho biết dự án nhà máy giấy là một dự án lớn nhưng không hề có một báo cáo đánh giá môi trường chiến lược nào liên quan đến phát triển công nghiệp. Còn báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt từ năm 2008 nhưng rất sơ sài ở khâu pháp lý và tham vấn cộng đồng. Trong khi đó, gần đây, phía nhà đầu tư mới tiến hành thủ tục để xin phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho tổng thể nhà máy.
Chính vì thế, bà Phạm Thị Diễm, người dân ở thị trấn Mái Dầm cho biết dự án nhà máy giấy đã được triển khai xây dựng nhiều năm qua nhưng chưa có một tổ chức, cá nhân nào đến tham vấn về vấn đề xả thải của nhà máy giấy này. Đây là một vấn đề mà đoàn thanh tra cần tiếp thu: “Dân ở đây ai cũng quan tâm hết. Bệnh không diễn ra một ngày một bữa. Thời gian còn kéo dài vài năm, vài chục năm nêu dân chịu ảnh hưởng là chắc chắn. Từ trước đến giờ ở đây yên lặng, yên bình nhưng bây giờ lo sống trong môi trường ô nhiễm nên ai cũng lo”.
Chỉ tay về hướng nhà máy giấy, nét mặt chị Đặng Thị Út Đủ- người dân nuôi cá tra trên dòng sông Hậu thể hiện tâm trạng lo lắng, hoang mang. Bởi người dân nuôi cá gần nhà máy giấy Lee&Man như chị sẽ lo lắng trong tương lai sẽ bỏ nghề nuôi. Bởi nếu việc xả thải không kiểm soát sẽ gây tác động đến môi trường, ảnh hưởng nguồn nước vùng nuôi: “Nếu có xả thải thì sẽ không nuôi cá được rồi. Nguồn nước bị dơ, nuôi cá dưới bè sẽ bị ô nhiễm, cá bị bệnh. Kiến nghị đoàn thanh tra kiểm tra thật kỹ việc xả thải nguồn nước, xử lý triệt để cho người dân ở đây được nhờ”.
Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam tọa lạc vị trí ba mặt giáp sông, trong đó có sông Hậu. Nhà máy này sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam hiện nay là Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Chính vì thế, người dân vùng ĐBSCL lo ngại nếu thảm họa môi trường xảy ra sẽ ảnh hưởng kinh tế và xã hội cho cả vùng. Do vậy, việc thanh tra các vấn đề bức xúc của dư luận là cần thiết. Tuy nhiên tất cả các bước thực hiện thanh tra cần phải minh bạch trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các thông tin cần làm rõ bao gồm công bố danh sách các nhà khoa học và quản lý, phương pháp và quy trình khảo sát, đánh giá và đề xuất./.