Người dân mong muốn kéo dài vốn vay từ Nghị quyết 11
VOV.VN - Kèo dài thời hạn chương trình cho vay vốn giúp người dân có thời gian duy trì phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Tạo điều kiện cho người dân vay vốn, Nghị quyết 11/NQ-CP "Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình" đã ban hành được gần 2 năm. Tại tỉnh Quảng Ninh, sau khi Nghị quyết được triển khai đã có hàng ngàn đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận với nguồn vốn vay để tái sản xuất, phát triển kinh tế.
Nguồn vốn hợp lý, hợp thời
Được tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, anh Lưu Văn Bình, thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà đã sử dụng 100 triệu đồng vay được để sửa lại trang trại và xây thêm 1 trại gà mới rộng 200m2. Hiện tổng đàn gà của gia đình anh có hơn 1 vạn con.
Anh Lưu Văn Bình nhớ lại khoảng thời gian cao điểm của dịch Covid-19, khi đó, những người chăn nuôi phải cầm cự bằng cách bán gia cầm, vật nuôi khi chưa đủ tuổi xuất chuồng. Nguyên nhân là do không có tiền mua thức ăn và vật tư để duy trì đàn vật nuôi. Nguồn vốn của Chính phủ được giải ngân đầu năm 2022 đã giúp các hộ nông dân ở thôn Tân Tiến khôi phục sản xuất, tránh tái nghèo.
"Thông qua tổ chức vay vốn của xã, thôn, mỗi lao động được vay 100 triệu. 2 vợ chồng kết hợp chăn nuôi, làm vườn, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Từ 2022 cho đến nay, gia đình đã bán được 1 lứa gà nên rất yên tâm và có thêm động lực làm ăn", anh Bình chia sẻ.
Ông Nịnh Văn Toàn, Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến cho biết, hơn 1/3 người dân Tân Tiến được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị quyết 11 của Chính phủ để tái sản xuất, chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi. Bản thân gia ông Nịnh Văn Toàn cũng dùng toàn bộ 100 triệu đồng vốn vay, mở rộng vườn cam lên tới 400 cây và mua thêm phân bón, đúng vào thời điểm cây sinh trưởng quan trọng nhất.
“Nếu không có nguồn vốn vay kịp thời chắc chắn nhiều gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo có thể xảy ra. Một số hộ không còn nguồn để phát triển dù mô hình có, đất đai chuồng trại có nhưng không có tiền tái sản xuất vì trong 2 năm dịch Covid đã bán hết vật nuôi, chuồng trại bỏ không”, ông Toàn nhớ lại.
Cho tới thời điểm này, hơn 12.000 lượt khách hàng ở huyện Đầm Hà đã được vay tổng số vốn khoảng 770 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là khách hàng được vay vốn gói hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Ông Vũ Trung Kiên, Phó Giám đốc phòng giao dịch huyện Đầm Hà cho biết, hiện các hộ chấp hành tốt việc trả nợ. Với các hộ làm ăn tốt họ còn trả nợ theo các kỳ 6 tháng 1 lần. Ngoài tiền lãi hàng tháng đã trả ngân hàng, các hộ cũng có 1 khoản tiết kiệm qua tổ tiết kiệm vay vốn. Đấy cũng khoản hàng tháng để dành trả phần gốc và khi đến hạn họ không phải lo gom lại toàn bộ số tiền khi vay vốn mà đã có 1 phần tiết kiệm để trả nợ gốc.
Kéo dài chính sách từ 3 - 5 năm
Khi Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu được triển khai, Quảng Ninh đã được bố trí hơn 458 tỷ đồng, trong đó dành phần lớn nguồn lực cho các gói vay nhà ở xã hội và hỗ trợ tạo việc làm.
Chỉ sau 3 tháng triển khai, Quảng Ninh đã giải ngân 100% kế hoạch được giao ở nhiều gói vay. Riêng năm 2023, nguồn vốn Trung ương cho vay giải quyết việc làm chưa được bố trí, nhưng HĐND tỉnh Quảng Ninh đã dành 90 tỷ đồng để giúp hàng chục nghìn hộ dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, thiểu số, biên giới, hải đảo tạo việc làm ổn định đời sống xã hội. Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh mong muốn được kéo dài nguồn vốn vay này.
“Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân, DN, HTX là rất cao. Thời gian của NQ 11 được áp dụng trong 2022 - 2023 nên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục kéo dài chính sách đối với chương trình cho vay phát triển kinh tế trong thời gian từ 3 - 5 năm, để đảm bảo các chính sách được tiếp cận bền vững. Người dân có thời gian duy trì phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống", ông Kiệm đề xuất.
Việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP "Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình được xem là một trong những giải pháp nhân văn, đúng thời điểm tạo nhiều động lực cho người dân tái sản xuất, phát triển kinh tế.
Dự kiến các tháng còn lại, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bố trí khoảng 100 tỷ đồng cho chương trình dân tộc thiểu số để vực dậy kinh tế của khu vực này, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2025.