Người dân Yên Bái thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn bưởi
VOV.VN - Hàng năm cứ vào dịp tháng 3, những vườn bưởi ở Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại đua nhau bung nụ khoe sắc trắng tinh khôi cùng hương thơm mát dịu. Theo chia sẻ, với 100 gốc bưởi, mỗi gia đình có thể thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Đây cũng là thời điểm những người nông dân cần mẫn cắt tỉa từng cành, thụ phấn cho từng bông hoa để tăng tỉ lệ đậu quả, kết trái đồng đều. Bưởi nơi đây đã mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân.
Hơn 8h sáng, thời điểm hết sương trên lá, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Ngà ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh lại cùng hàng trăm hộ dân trồng bưởi trong xã thụ phấn cho vườn cây của mình.
Chị Ngà cho biết, vườn bưởi nhà chị có hơn 100 gốc, với tuổi đời 60 – 70 năm; bình quân mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Cứ vào tháng 3 hàng năm, thời điểm bưởi nở hoa - giai đoạn có tính quyết định lớn đến mùa quả trong năm là gia đình phải chăm bón rất kỹ theo tiêu chuẩn, kỹ thuật đã được tập huấn và kinh nghiệm đúc kết từ hàng chục năm gắn bó với bưởi. Trong đó, “kết duyên cho hoa bưởi”, tức thụ phấn cho những bông hoa là việc làm hết sức quan trọng.
"Mới đầu cũng cảm thấy rất khó vì rất là tỉ mỉ, bây giờ làm quen rồi thành như con ong. Trong quá trình thụ phấn này thì cây sẽ tự đào thải hầu hết quả xấu đi, nếu còn lại những quả cây không đào thải được thì vào khoảng tháng 5 sẽ tỉa bỏ quả còi, quả xấu. Theo như kinh nghiệm lâu năm thì năm nay lá bưởi xanh đẹp, hoa bưởi rất to nên tỷ lệ hoa đậu quả sẽ rất cao"- chị Ngà chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Minh Quân, ở thôn Khai Tung có hơn 200 gốc bưởi. Những ngày này, cùng với thụ phấn cho hoa, anh đã tiến hành cắt tỉa những cành hoa sâu bệnh, hay những chùm hoa nhỏ, dị hình…để tập trung dinh dưỡng cho những cành khoẻ, nhiều hoa. Cùng với đó là bón phân, tưới nước bổ sung để cây có các điều kiện tốt nhất để nuôi hoa, đậu quả...
Theo anh Quân: "Chu kỳ hoa phụ thuộc vào thời tiết của từng năm, trời nắng ấm cây sẽ nở hoa nhanh hơn, còn nếu trời mưa, lạnh vụ hoa sẽ kéo dài hơn. Sau khi kết thúc chu kỳ hoa, cây đậu quả thì gia đình tôi cũng như bà con trong thôn sẽ tiến hành phun các loại thuốc như phân bón qua lá, thuốc trừ sâu, thuốc phòng nấm, thối quả và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho cây theo hướng dẫn".
Bưởi Đại Minh được trồng từ thế kỷ XVII. Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp mà bưởi nơi này khác biệt với bưởi ở các vùng khác, như vỏ mỏng, khi chín có màu vàng, nhẵn, ăn có vị ngọt dịu, không he, không đắng, bởi vậy xưa kia được tương truyền là sản vật “tiến vua”. Ngày nay, bưởi Đại Minh đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp thoát nghèo và làm giàu cho người dân địa phương.
Đến nay, xã Đại Minh đã có hơn 420 ha bưởi, với hơn 118.000 cây, tuổi đời cây từ vài năm đến 60 - 70 năm tuổi, cá biệt có cây 200 năm tuổi.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, xã có trên 1.000 hộ dân thì hơn 2/3 số này trồng bưởi; bình quân mỗi hộ có trên một trăm gốc. Vụ bưởi năm 2023, với sản lượng khoảng 5.700 tấn quả, bà con trong xã đã có tổng thu trên 50 tỷ đồng. Ngoài mở rộng diện tích, chính quyền huyện và xã đã vận động, hướng dẫn nhân dân sản xuất bưởi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.
"Những năm qua, với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, bà con nhân dân đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trái bưởi. Cây bưởi đã tạo ra việc làm rất lớn tại địa phương, giúp cho bà con có cơ hội thoát nghèo, tiến tới làm giàu, và là tiền đề để xã Đại Minh hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023 vừa qua" - ông Hưng cho biết.
Nhằm giới thiệu, tôn vinh vùng bưởi quý, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho người trồng bưởi, hàng năm, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá; trong đó định kỳ 2 năm một lần tổ chức "Lễ hội Bưởi Đại Minh" vào mùa bưởi chín với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.