Người lao động châu Á dành 25% tổng thu nhập cho hưu trí
VOV.VN -66% người trong độ tuổi lao động lo ngại họ sẽ không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày lúc về hưu.
Một nghiên cứu của HSBC vừa công bố cho thấy, sự thiếu hụt về nguồn quỹ tiết kiệm hưu trí trong 7 năm. Trong khoảng thời gian trung bình 18 năm về hưu, những người trong độ tuổi lao động trên thế giới cho rằng họ có thể sẽ sử dụng hết số tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư chỉ sau 11 năm.
Những phát hiện từ cuộc khảo sát sẽ làm tăng thêm những nỗi lo âu hiện tại về tài chính cho cuộc sống sau này. 66% người trong độ tuổi lao động lo ngại họ sẽ không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày lúc về hưu và 69% lo sợ họ sẽ cạn nguồn tài chính. Sự lo lắng này sẽ trở thành sự thật khi người lao động bước vào độ tuổi về hưu và nhận ra họ đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn trong khoản tiền tiết kiệm.
62% người đang trong độ tuổi lao động vẫn tin tưởng vào các chương trình hưu trí cá nhân(Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, theo khảo sát Tương lai hưu trí, một kế hoạch cân bằng, những người trước tuổi về hưu đang ứng phó với tình huống này, họ hoạch định các nguồn tài chính bổ sung cho quỹ hưu trí của họ bằng các phương pháp tiết kiệm mới.
Hơn một nửa những người đang trong độ tuổi lao động vẫn tin tưởng vào các chương trình hưu trí cá nhân (62%) và các chương trình hưu trí của bên sử dụng lao động (57%) trong việc tạo ra nguồn thu nhập khi về hưu. Nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại cho rằng nguồn quỹ này có thể không đủ mang lại một cuộc sống về hưu an nhàn, điều đó thôi thúc nhiều người tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.
Cũng theo khảo sát này, người lao động ở châu Á có kế hoạch để dành trung bình 25% trên tổng thu nhập cả năm cho hưu trí, cao hơn ở Anh (11%), Mỹ (14%) và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (11%), theo khảo sát. Con số này đạt mức cao nhất 31% ở Hồng Kông, sau đó là Đài Loan 30% và Singapore 29%.
Tuy nhiên, tiết kiệm đủ cho một cuộc sống dễ chịu sau này là điều khó khăn, theo kết quả của báo cáo. Khả năng để dành cho hưu trí của người lao động tiếp tục bị đe dọa bởi ảnh hưởng lâu dài của suy thoái kinh tế và những sự kiện phát sinh trong cuộc sống.
Nhận định về kết quả khảo sát, Vineet Vohra, Giám đốc Toàn cầu Khối Phân tích Tài Sản, Ngân hàng bán lẻ và Quản lý tài sản, HSBC cho biết: “Khảo sát cho thấy nhiều người không chỉ đang vun đắp các quỹ hưu trí của họ thông qua các sản phẩm tài chính truyền thống mà còn bằng các tài sản hữu hình, và điều này đặc biệt đúng với người châu Á. Việc tích lũy tài sản đa dạng để tạo thu nhập khi về hưu là cần thiết, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo một sự kết hợp hợp lý của thu nhập từ đầu tư và thu nhập từ lương, dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro của từng người. Người lao động có khuynh hướng thích giữ tiền mặt, nhưng khả năng mua hàng hóa của tiền mặt lại bị lạm phát làm xói mòn trong dài hạn. Đa dạng hóa là điều cần thiết nhằm quản lý các rủi ro xuất phát từ lạm phát hoặc thị trường bất ổn”./.