Người tiêu dùng nông thôn có bị bỏ quên?
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lâu nay chỉ được nhắc đến ở khu vực đô thị. Nhiều người tiêu dùng nông thôn không biết mình có quyền gì, phải làm gì để đòi được quyền lợi khi gặp rủi ro
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, 70% người tiêu dùng nông thôn hiểu biết rất hạn chế về chất lượng hàng hóa dịch vụ. Vì vậy, người tiêu dùng nông thôn thường xuyên phải dùng hàng kém chất lượng và là nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.
“Túi” chứa hàng giả, hàng nhái
1.146 là số vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM đã tiếp nhận từ năm 2003 - 2008. Thế nhưng, trong sáu năm qua, đa số khiếu nại là của người tiêu dùng nội thành, hầu như không có người tiêu dùng ở địa bàn nông thôn đi khiếu nại. Việc người tiêu dùng nông thôn không đi khiếu nại không đồng nghĩa với chất lượng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực ngoại thành, các vùng nông thôn tốt hơn khu vực nội thành, đô thị.
Trên thực tế, thị trường nông thôn đang là “cái túi” chứa và tiêu thụ hàng hóa chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, không có tên tuổi, thiếu thông tin, không bảo hành… nhiều nhất. Hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tại thị trường nông thôn ở hầu hết các loại sản phẩm, từ những hàng hóa có giá trị thấp như hộp diêm, cây, con giống, nén nhang, gói bột màu đến những hàng hóa mang trị giá cao như hàng may mặc, đồ gia dụng, sắt, thép, thuốc bảo vệ thực vật, phụ tùng xe máy, điện tử, điện lạnh... Một thực tế nhức nhối mà người tiêu dùng nông dân đang phải gánh chịu, đó là nạn phân bón giả, thuốc sâu giả, cây trồng giả. Cây trồng thì không đơm hoa kết trái, lúa thì cằn cỗi, phun thuốc trừ sâu mà sâu bệnh lại phát triển hơn trước. Nhiều khi biết là hàng giả, hàng nhái, nhưng người tiêu dùng lại chưa có thói quen tố giác, ngại va chạm và phiền phức nên hầu hết trường hợp đều tặc lưỡi cho qua. Thêm nữa, phần đông người tiêu dùng nông thôn cũng không biết mình có quyền lợi gì và phải làm gì để đòi được quyền lợi khi có rủi ro xảy ra.
Thị trường nông thôn chiếm tới 70% lượng tiêu thụ hàng hóa nhưng đang tồn tại nghịch lý: Hàng tốt nhất - “của ngon vật lạ” đều để dành cho xuất khẩu và thị trường thành thị; còn hàng lỗi, hàng xấu thì đưa về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cách ứng xử này của doanh nghiệp không coi trọng người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là người tiêu dùng nông thôn. Tâm lý của người tiêu dùng thành thị và nông thôn có sự khác biệt lớn. Với người tiêu dùng nông thôn, mua gì, dùng gì phần lớn phụ thuộc vào sự gợi ý của người bán hàng. Họ chỉ quan tâm đến sản phẩm đó có phù hợp với túi tiền của mình hay không. Bởi vậy, rẻ là tiêu chí hàng đầu, sau mới là chất lượng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành.
Khó xử lý
Điều đáng lo ngại, hầu hết các mặt hàng giả đều là thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng, thuốc men ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mệnh của người tiêu dùng. Một chuyên viên quản lý thị trường khẳng định: Hiện tượng gian lận thương mại như hàng hóa không ghi tem, nhãn, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... phổ biến ở hầu hết địa bàn các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi xa xôi hẻo lánh với những gian hàng quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, QLTT chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh cố định, có quy mô tương đối lớn. Việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa tại các chợ quê chưa thực hiện được do lực lượng mỏng. Hơn nữa, nếu chiểu theo Nghị định 107/2008/NĐ - CP, việc xử phạt mức vi phạm nhẹ nhất cũng lên tới 500.000 - 1 triệu đồng. Nếu tiến hành kiểm tra tất cả các sạp hàng hoá, lực lượng QLTT sẽ làm không xuể, và cũng không “nỡ” phạt vì các chủ hàng đều là nông dân vay lãi để bán hàng, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính điều này phần nào đã tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng nhái lộng hành.
Theo các chuyên gia, thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế do tồn tại nạn làm hàng giả là môi trường kinh doanh, đầu tư bị méo mó, cạnh tranh không còn bình đẳng, quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng. Doanh nghiệp sản xuất thì lo âu và chán nản vì hàng hoá của mình bị biến tướng, thật giả lẫn lộn. Còn người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tài sản./.
Người tiêu dùng nông thôn luôn là người thiệt thòi nhất. Họ không được quyền định đoạt về giá cả, không được quyền bàn thảo hợp đồng và là người gánh chịu tất cả mọi rủi ro nếu gặp hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. (Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam)./. |