Người trồng cà phê ở Sơn La thua thiệt do thiếu thông tin giá cả
VOV.VN - Do thiếu thông tin về giá cả cũng như thời điểm bán hàng đã khiến người trồng cà phê ở Sơn La chịu nhiều thua thiệt.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có diện tích cà phê khá lớn với hơn 10.000 ha và cũng là tỉnh được biết đến với chất lượng cà phê Abrica khá nổi tiếng. Tuy nhiên, do ở vùng sâu vùng xa, hệ thống công nghệ thông tin liên lạc còn lạc hậu, nên tình trạng thiếu thông tin, không cập nhật kịp thời được giá cả, là những nguyên nhân khiến người nông dân dẫu một nắng hai sương, nhưng vẫn chịu thua thiệt.
Không như những năm trước, năm nay giá cà phê giảm mạnh ngay đầu vụ khiến người trồng cà phê ở Sơn La không khỏi lo lắng. Đáng ngại nhất là việc thiếu thông tin về giá cả khiến người dân đứng ngồi không yên. Trong vụ thu hoạch năm 2014, do không nắm bắt thông tin kịp thời nên vào lúc giá cà phê cao nhất, gia đình anh Quàng Văn Tuấn xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã không kịp bán ra và bị lỗ hàng chục triệu đồng.
“Năm ngoái cà phê khô có giá cao nhất khoảng 48.000 – 49.000 đồng/kg, tại thời điểm đó do giá cà phê chưa ổn định nên gia đình giữ lại không bán, cuối cùng gia đình chỉ bán được với giá 37.000 đồng/kg nên thiệt hại rất lớn”, anh Tuấn cho biết.
Hầu hết các hộ trồng cà phê ở Sơn La đều tự thu hoạch, sơ chế rồi để lại chờ giá. |
Ông Hà Văn Nghĩa, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn cũng nhờ anh em, họ hàng trong gia đình, cùng lên nương thu hái cà phê, rồi mang về tự sơ chế, phơi khô và chờ đến khi cà phê được giá mới bán. Ông Nghĩa cho biết, cà phê thu hoạch xong, thương lái vào trả giá nếu thấy hợp lý mới bán, nếu không hợp lý sẽ tìm thương lái khác.
Hiện người dân tại một số địa bàn đã biết cách tra cứu thông tin giá cả trên internet. Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi như Sơn La, điều kiện cơ sở vật chất về công nghệ, thông tin còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy không phải ai cũng biết đến internet.
Ông Hoàng Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn cho biết, bà con vẫn luôn mong chờ được tiếp nhận những thông tin mang tính định hướng, dự báo để có thể tin cậy và chủ động hơn trong việc tìm đầu ra với sản phẩm do mình làm ra.
“Giá cà phê hiện nay được người dân thông tin với nhau, thương lái nào mua với giá cao người dân sẽ bán cho người đó, ngoài ra chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính quyền xã mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế chính sách giữ cho giá cà phê ổn định bền vững”, ông Sương đề xuất.
Cây cà phê vẫn được xác định là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, cần phải có hướng đi và cách làm hiệu quả để loại cây này phát huy hiệu quả ổn định, bền vững. Từ đó, người dân có thể làm giàu từ cây cà phê và tránh những rủi ro, thua thiệt khi giao dịch với các thương lái vì ‘‘khi được gía thì không bán, và khi bán lại không được giá’’./.