Người Việt dùng hàng Việt: Còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi”
Để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đi vào thiết thực, sâu rộng cần sự góp sức của các cấp, ngành, sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo.
“Nhìn thẳng vào sự thật” – gợi mở của ông Vũ Trọng Kim – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giúp Hội nghị giao ban của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động được tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội trở nên cởi mở, thẳng thắn.
Kết quả đáng khích lệ
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) bắt đầu bằng câu chuyện về cuộc hội thảo mà ông tham gia vào năm 2009. Ông Quyền cho biết, vào thời điểm đó, khi ông đưa vấn đề phát triển hàng Việt ở thị trường nội địa, hội thảo đã có không ít tiếng cười. Vậy mà 2 năm sau cuộc hội thảo đó, đến nay, vấn đề sản xuất hàng Việt dành cho người Việt đang là vấn đề hiển nhiên. Điều này cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả thực chất của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Hàng Việt được người tiêu dùng ở nông thôn đón nhận tích cực (Ảnh: KT) |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động, trong năm 2011, cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước năm 2011 ước đạt 2004,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 95 tỷ USD), tăng 24,2% so với năm 2010.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân, doanh nghiệp về sản xuất, sử dụng hàng Việt có nhiều thay đổi. Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy 90% người dân TP HCM và 80% người dân TP Hà Nội đã quan tâm đến sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Từ thực tế đó, nhiều doanh nghiệp trước đây sản xuất hàng hóa để xuất khẩu thì nay có ý thức hướng về thị trường nội địa. Hệ thống phân phối hàng hóa không chỉ có mặt tại các chợ trung tâm của thành phố lớn, siêu thị mà còn có mặt tại các chợ truyền thống ở nông thôn.
Ông Trần Đức Lai – Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cũng cho biết, nếu trước đây, sản phẩm công nghệ cao chủ yếu sử dụng của nước ngoài thì nay, bằng cuộc vận động, đã có hơn 100 sản phẩm công nghệ cao đã ra thị trường nội địa và được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia và mua lại dự án công nghệ của Việt Nam. “Qua đợt vận động này các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao trong nước thêm phần tự tin hơn”, ông Lai nhấn mạnh.
Vướng mắc
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cuộc vận động vẫn gặp không ít khó khăn. Thứ trưởng Trần Đức Lai nhận xét, cuộc vận động ở cấp cơ sở hiện nay vẫn chưa quyết liệt, nhiều địa phương còn có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Chính điều này sẽ cản trở cuộc vận động đi sâu vào thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hàng Việt được người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa đón nhận tích cực nhưng vẫn ở tình trạng đứt quãng do cơ sở hạ tầng ở các khu vực này hiện nay còn nhiều hạn chế.
Đại diện doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào Cuộc vận động này thì chúng ta cần phải tăng cường chống buôn lậu. Có như vậy mới đảm bảo sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lành mạnh trên thị trường nội địa.
Ông Nam đưa ra ví dụ, hiện nay Trung Quốc đang có chiến lược bán hàng với 4 cấp độ. Các sản phẩm cấp độ 1 dành xuất khẩu sang các nước phát triển, cấp độ 2 tiêu thụ tại các tỉnh thành lớn, cấp độ 3 tiêu thụ tại các khu vực nông thôn, còn mặt hàng cấp độ 4 đa số chuyển sang Việt Nam.
Những mặt hàng cấp độ 4 được xem là “sản phẩm cho không” và để xuất sang các nước phát triển, mặt hàng này còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí. Chính điều này sẽ phá hoại giá thành trên thị trường Việt Nam.
Bởi vậy, nếu không tăng cường chống buôn lậu thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không còn dám đầu tư sản xuất. “Việc chống buôn lậu không chỉ giúp mặt hàng trong nước được bảo đảm trong cạnh tranh lành mạnh mà nhà nước còn có thêm nguồn thu”, ông Nam phân tích.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tháo gỡ thế độc quyền của một số doanh nghiệp. Theo ông Nam sự độc quyền sản phẩm sẽ cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cùng loại. Cho nên đối với các doanh nghiệp chiếm 25% thị phần trong nước thì cần phải có chính sách xuất khẩu. Nếu thực hiện được vấn đề này thì không những thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế mà bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mới giữ được mạng lưới phân phối sản phẩm của mình trên thị trường nội địa.
Về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thì cho rằng, Cuộc vận động có thành công hay không thì quyết định vẫn thuộc về người tiêu dùng vì “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Bởi vậy trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động đến người tiêu dùng cần phải cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó, an toàn cho người tiêu dùng cũng phải được đảm bảo thì khi đó người Việt mới tin dùng hàng Việt./.
Tại hội nghị giao ban của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động nhận xét: Qua 2 năm triển khai, Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của người Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, cuộc vận động đã góp phần vào việc ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Cuộc vận động đã được sự hưởng ứng ngày càng rõ nét của người sản xuất và người tiêu dùng. Đấy chính là sự thể hiện lòng yêu nước bằng hành động, hình thành văn hóa tiêu dùng, tạo ra chuyển biến mới về nhận thức. Tuy nhiên, sự chuyển biến này chưa đồng đều, thể hiện trong khâu tuyên truyền chưa thường xuyên. |