Người Việt làm chủ dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến thế giới - tại sao không?
VOV.VN - Chính phủ đặt mục tiêu số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước đến năm 2030 đạt mục tiêu tăng trung bình 15%/năm.
“Đến năm 2030, mỗi năm, số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng 15%; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ...”. Đó là mục tiêu mới của Chính phủ. Cần những điều kiện gì để mục tiêu này trở thành hiện thực?
Trong Quyết định 138 được ban hành cách đây ít ngày nhằm “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt quyết định bổ sung, sửa đổi, một số điều của Quyết định số 1851 được ban hành từ 4 năm trước với một số mục tiêu như: Đến năm 2025, cơ sở dữ liệu của 10 nghìn hồ sơ công nghệ nước ngoài sẽ được tổng hợp; 1.000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được Việt Nam giải mã và làm chủ; 10.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế.
Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu “Số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước đến năm 2030 đặt mục tiêu tăng trung bình 15%/năm. 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ”.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho rằng đó là những thông tin khích lệ người Việt Nam làm chủ công nghệ. Do đó, thứ nhất cần sớm ban hành những hành lang pháp lý đầy đủ về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới; Thứ hai, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao của nước ngoài và khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam; Thứ ba, cần hình thành các quỹ khởi nghiệp ở các địa phương, các học viện, Đại học để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Thứ tư là thu hút nguồn lực công nghệ cao là Việt kiều; Thứ năm là đào tạo được nguồn nhân lực đủ năng lực để sáng tạo với dấu ấn Make in Việt Nam
Triển khai Quyết định này, Chính phủ đặt mục tiêu “Đến năm 2030 số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm. 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ”. Đây được nhận định là tầm nhìn thực tiễn của Chính phủ trong bối cảnh khoa học công nghệ nước nhà đang có những bước tiến tích cực, cần nỗ lực nhiều hơn./.