Nguồn lực xã hội - nhân văn quyết định thành bại của cực tăng trưởng Lào Cai
VOV.VN - Sáng 29/11, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy giá trị, nguồn lực xã hội - nhân văn phục vụ phát triển tỉnh Lào Cai trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối khu vực đến 2030, tầm nhìn 2050” đã diễn ra tại Lào Cai.
Mục tiêu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc của Lào Cai được nêu rõ trong Nghị quyết 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng trung du, miền núi phía Bắc và Quyết định 316 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai.
Là một tỉnh vùng cao, biên giới, có 25 dân tộc anh em chung sống, thời gian qua, bên cạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế, Lào Cai đặc biệt quan tâm phát huy giá trị, nguồn lực xã hội – nhân văn, xác định đây là nhân tố quan trọng, quyết định mục tiêu trên. Đó chính là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện, mang đậm nét đặc trưng của con người, vùng đất biên cương Tổ quốc, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Hội thảo lần này là diễn đàn khoa học nhằm làm rõ hơn những vấn đề lý luận, thực trạng, đề xuất quan điểm, định hướng, cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm phát huy giá trị, nguồn lực xã hội - nhân văn của Lào Cai; đồng thời, góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học trong xây dựng Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đánh dấu bước phát triển của tỉnh Lào Cai trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức.
Hội thảo tiếp thu được trí tuệ tập thể từ hơn 30 bài viết, bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, làm cơ sở để xây dựng thành Kỷ yếu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Bà Nguyễn Thị Vân Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lào Cai cho biết: "Những tham luận tại Hội thảo đã gợi mở rất nhiều vấn đề để trong giai đoạn 2025 – 2030 tới, Lào Cai sẽ đưa ra được những định hướng về phát triển văn hóa nói chung và tài nguyên văn hóa nhân văn nói riêng. Trong đó, những văn hóa bản địa sẽ được phát huy, giữ gìn, bảo tồn để khai thác trong phát triển kinh tế du lịch cũng như các lĩnh vực khác của Lào Cai. Tôi nghĩ rằng đây cũng là bước chuẩn bị để Lào Cai vững vàng bước vào một kỷ nguyên mới".