Nguy cơ đối đầu thương mại xuyên Đại Tây Dương

VOV.VN - Lãnh đạo một số nước EU thống nhất rằng, nếu Mỹ không thu hẹp các biện pháp EU sẽ đáp trả, điều này có thể đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào cuộc đối đầu thương mại mới.

Lãnh đạo Đức - Pháp cho rằng, EU không thể tiếp tục đứng nhìn nếu Mỹ thúc đẩy Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó cắt giảm thuế và trợ cấp năng lượng cho các công ty đầu tư trên đất Mỹ. Do đó, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron thống nhất rằng, nếu Mỹ không thu hẹp các biện pháp, EU sẽ đáp trả. Điều này có thể đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào cuộc đối đầu thương mại mới.

Đạo luật Giảm lạm phát mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tung ra mới đây, có nội dung chính là chính quyền Mỹ sẽ chi ra một số tiền rất lớn, khoảng 430 tỷ USD nhằm tạo ưu đãi về thuế và giá năng lượng cho các công ty đầu tư vào Mỹ. Theo đạo luật này, các xe ô tô điện lắp ráp tại Bắc Mỹ có thể được hưởng ưu đãi thuế tới 7.500 USD/xe. Ngoài ra, phía Mỹ cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe về xuất xứ của các thành phần trong pin ô tô điện, sẽ được áp dụng từ năm 2024.

Mới nhất, phía Mỹ cũng tung ra một chính sách khác khuyến khích người Mỹ mua hàng Mỹ (Buy American), đặc biệt đối với một mặt hàng là xe ô tô điện do các công ty Mỹ sản xuất. Đối với phía châu Âu, đây là các chính sách bảo hộ công khai của chính quyền Mỹ đối với một số ngành công nghiệp của nước này, nhất là ngành công nghiệp ô tô và chính sách bảo hộ, trợ cấp này của chính quyền Mỹ sẽ giúp các công ty Mỹ có được lợi thế cạnh tranh không bình đẳng trước các công ty châu Âu, trong một loạt các lĩnh vực, từ chế tạo pin xe ô tô điện cho đến năng lượng hydrogen xanh.

Châu Âu cho rằng, mặc dù các chính sách giảm thuế, giãn thuế là điều có thể hiểu được, nhưng việc đưa ra các trợ cấp có điều kiện nhằm vào một số mặt hàng cụ thể do các công ty Mỹ sản xuất là điều không công bằng với các công ty của các nước khác. Ủy ban châu Âu có đưa ra 1 ví dụ rất cụ thể, trong tháng 9/2022, mẫu xe ô tô điện Y của tập đoàn Tesla của Mỹ là mẫu xe điện bán chạy nhất tại châu Âu, nhưng điều này sẽ không thể có được nếu châu Âu không thực thi một chính sách công bằng với tất cả các hãng xe đến từ bên ngoài châu Âu. Do đó, châu Âu yêu cầu phía Mỹ phải đối xử với các công ty châu Âu hoạt động tại Mỹ giống như với các công ty Mỹ.

Cần phải nói rõ rằng, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ tạo ra một ưu thế cạnh tranh riêng cho các công ty Mỹ và gây ra bất lợi với tất cả các công ty nước ngoài, gồm cả các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc chứ không chỉ riêng châu Âu và trong lĩnh vực ô tô điện. Đạo luật này cũng được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công ty đến từ châu Á, vốn có thế mạnh trong lĩnh vực pin ô tô điện. Hiện tại châu Âu chưa lượng hoá được các thiệt hại mà các công ty châu Âu có thể gánh chịu với đạo luật mới tại Mỹ, nhưng về mặt pháp lý, châu Âu cho rằng đây là một chính sách bảo hộ không công bằng của Mỹ, phân biệt đối xử với các công ty châu Âu.

Trong cuộc gặp giữa tuần này tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tạm gác các bất đồng trong quan hệ song phương, để đưa ra một tuyên bố chung, thể hiện sự quan ngại của các nước châu Âu đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, đồng thời khẳng định nếu Mỹ không xem xét lại đạo luật này, châu Âu sẽ có biện pháp đáp trả.

Tổng thống Pháp Macron cho rằng, đã đến lúc châu Âu cũng phải có một chính sách khuyến khích “Người châu Âu mua hàng châu Âu” giống như chính sách “Người Mỹ mua hàng Mỹ”, tức châu Âu cũng sẽ tung ra các chính sách bảo hộ với các ngành công nghiệp của khối, có thể là trợ cấp về thuế, về giá năng lượng, đồng thời cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính để khuyến khích người dân châu Âu mua hàng châu Âu.

Có thể hình dung là, nếu một chính sách như thế được áp dụng, tập đoàn Tesla của Mỹ đang hoạt động tại châu Âu sẽ phải đóng thuế cao hơn, trả tiền điện, khí đốt cao hơn so với các công ty châu Âu, đồng thời người tiêu dùng châu Âu sẽ được trợ giá khoảng 7.000 – 10.000 euro nếu mua 1 xe ô tô điện do một công ty Đức hay Pháp sản xuất, thay vì mua xe ô tô của Tesla. Sự trả đũa của châu Âu sẽ là việc áp dụng một chính sách ưu đãi với các công ty châu Âu y như việc Mỹ ưu đãi cho các công ty Mỹ.

Tiếp đến, châu Âu cũng có thể tung ra các gói tài chính lớn nhằm thu hút đầu tư vào châu Âu, giống như cách Mỹ tìm mọi cách, cả khuyến khích lẫn gây sức ép, để buộc một số DN nước ngoài chuyển các hoạt động sản xuất về Mỹ. Trên thực tế, châu Âu đang ý thức rất rõ rằng trong cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt giữa các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới, châu Âu đang có hệ thống pháp lý lỏng lẻo hơn.

Phát biểu trên báo chí Pháp tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, không chỉ Mỹ mà một số cường quốc kinh tế khác cũng đang duy trì các chính sách bảo hộ, chỉ có châu Âu là đang mở toang cánh cửa thị trường của mình các DN từ bên ngoài mà không có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các ngành công nghiệp trọng điểm của khối. Bản thân nước Pháp đang từng bước có những chính sách đi theo hướng bảo hộ các công ty trong nước mạnh hơn.

Trong tuần qua, Pháp đã bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy chế biến pin ô tô điện, có khả năng cung cấp pin cho khoảng 700.000 xe ô tô điện mỗi năm, ngoài ra Tổng thống Pháp Macron cũng nâng mức trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo mua ô tô điện, từ mức 6.000 lên 7.000 euro. Đáng chú ý, khoản trợ cấp này chỉ dành cho các xe ô tô điện có mức giá dưới 47.000 euro và của các hãng xe Pháp như Renault hay Peugeot chứ không dành cho xe Tesla của Mỹ. Những biện pháp như thế có thể nhanh chóng được nhân rộng tại châu Âu nếu châu Âu muốn đáp trả chính sách bảo hộ từ phía Mỹ.

Khác với thời Tổng thống Donald Trump, khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng nước Mỹ sẽ tránh tối đa các hành động đơn phương và sẽ luôn tham vấn các đồng minh mỗi khi đưa ra các quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, Đạo luật Giảm lạm phát có thể xem là một chính sách đơn phương từ phía Mỹ và nhìn từ phía châu Âu thì đó là một biểu hiện rõ ràng của chính sách bảo hộ, đi ngược lại với các cam kết của Mỹ về chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại.

Hiện tại, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen thừa nhận, Mỹ đã ghi nhận được các quan ngại từ phía châu Âu và một số đối tác như Hàn Quốc liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Nhưng sự thừa nhận này không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ huỷ hỏ hoặc thu hẹp phạm vi điều chỉnh của đạo luật này, bởi đối với chính quyền của đảng Dân chủ, đạo luật này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giúp đảng Dân chủ giành được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ tại cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra.

Do đó, phía Mỹ có thể thảo luận và chia sẽ một số quan ngại với châu Âu hay Hàn Quốc nhưng sẽ khó có khả năng từ bỏ Đạo luật này. Hiện tại, châu Âu và Mỹ đang lập ra một đội ứng phó nhanh (Task Force) nhằm thảo luận bất đồng giữa hai bên xung quanh đạo luật này. Hai bên đã có cuộc đàm phán đầu tiên nhưng chưa mang lại kết quả.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, cả Mỹ lẫn châu Âu đều không mong muốn sự bất đồng này bùng nổ thành một cuộc chiến thương mại, bởi sự đoàn kết của phương Tây trong việc ứng phó với cuộc xung đột tại Ukraine đã và đang bị thử thách rất lớn trong thời gian qua. Sức ép duy trì sự đoàn kết này là rất lớn và đã có các dấu hiệu mệt mỏi từ một số nước. Do đó, một khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Âu, mặt trận đoàn kết của phương Tây nhằm ứng phó với Nga hay các đối thủ địa chính trị khác sẽ bị tan vỡ. Đó là điều mà cả châu Âu lẫn Mỹ đều ý thức rõ và đều không mong muốn xảy ra.

Trong những ngày qua, nguy cơ rạn nứt mặt trận đoàn kết này đang gia tăng khi tại Mỹ, một số chính trị gia đảng Cộng hoà đã công khai tuyên bố, nếu đảng Cộng hoà chiến thắng và kiểm soát được Hạ viện Mỹ, nước Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ kinh tế-quân sự ồ ạt cho Ukraine như hiện nay. Cảnh báo này từ phía đảng Cộng hoà khiến châu Âu và Ukraine đặc biệt lo lắng bởi từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Mỹ là nước đóng vai trò quyết định trong việc ủng hộ Ukraine, với tổng số tiền cam kết viện trợ Ukraine lên tới vài chục tỷ USD, gấp nhiều lần châu Âu.

Do đó, bất cứ sự rút lui nào từ phía Mỹ cũng sẽ khiến châu Âu phải gánh vác nghĩa vụ nặng nề trong xung đột Nga-Ukraine. Và một cuộc chiến thương mại vào lúc này sẽ là điều tồi tệ với châu Âu. Vì thế, hai bên có lẽ sẽ chờ đến sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ mới có thể có hướng giải quyết rõ ràng về các mâu thuẫn kinh tế hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

WTO chỉ trích chính sách bảo hộ xuất khẩu của Mỹ
WTO chỉ trích chính sách bảo hộ xuất khẩu của Mỹ

Brazil, đại diện cho 23 nước đang phát triển cho rằng Mỹ đang thúc đẩy chính sách bảo hộ "lạc hậu", phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu vào đúng thời điểm nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng suy giảm.  

WTO chỉ trích chính sách bảo hộ xuất khẩu của Mỹ

WTO chỉ trích chính sách bảo hộ xuất khẩu của Mỹ

Brazil, đại diện cho 23 nước đang phát triển cho rằng Mỹ đang thúc đẩy chính sách bảo hộ "lạc hậu", phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu vào đúng thời điểm nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng suy giảm.  

Lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu chững lại
Lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu chững lại

VOV.VN - Theo dữ liệu của bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/10, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 9 đã tăng cao hơn so với dự kiến và lạm phát tiếp tục tăng trong tháng thứ hai liên tiếp.

Lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu chững lại

Lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu chững lại

VOV.VN - Theo dữ liệu của bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/10, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 9 đã tăng cao hơn so với dự kiến và lạm phát tiếp tục tăng trong tháng thứ hai liên tiếp.

Lạm phát ở Mỹ giảm nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ
Lạm phát ở Mỹ giảm nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ

VOV.VN - Giá xăng dầu giảm đã làm chậm lại tốc độ tăng giá cả ở Mỹ, điều khiến lạm phát ở nền kinh tế số 1 thế giới xuống còn 8,5% so với mức 9,1% trong tháng trước.

Lạm phát ở Mỹ giảm nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ

Lạm phát ở Mỹ giảm nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ

VOV.VN - Giá xăng dầu giảm đã làm chậm lại tốc độ tăng giá cả ở Mỹ, điều khiến lạm phát ở nền kinh tế số 1 thế giới xuống còn 8,5% so với mức 9,1% trong tháng trước.