Nguy cơ hàng da giày bị tái áp thuế chống bán phá giá
Để tránh bị tái áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam nên tìm hợp đồng có giá trị và chất lượng…
Mặc dù từ ngày 1/4/2011, mặt hàng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) chính thức không còn chịu mức áp thuế chống bán phá giá 10% kéo dài trong 4 năm qua. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn phải chịu sự giám sát của EU trong một năm, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ hàng da giày Việt Nam bị tái áp thuế chống bán phá giá.
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, trong thời gian tới, EU tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó tập trung hơn vào các vụ điều tra và áp dụng linh hoạt biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp…
Với 1 năm chịu kiểm soát của EU, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho ngành giày mũ da Việt Nam. Trong trường hợp EU nhận thấy lượng hàng nhập khẩu Việt Nam tăng đột biến và giá xuất khẩu lại giảm trong một khoảng thời gian nhất định, cơ quan có thẩm quyền của EU có thể sẽ xem xét việc tái áp loại thuế này mà không cần điều tra khi có đủ bằng chứng cho thấy có hiện tượng “tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá” từ nhà xuất khẩu Việt Nam”.
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, để tránh bị tái áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt Nam nên tìm hợp đồng có giá trị và chất lượng, nên đa dạng hoá thị trường thay vì ồ ạt tăng trưởng xuất khẩu sang EU. Bệnh cạnh đó là theo dõi số lượng, giá trị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU; đảm bảo xuất khẩu được nâng lên một cách hợp lý, công khai, minh bạch; nên nhập khẩu nguyên phụ liệu từ chính các nước EU…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính chung 8 tháng qua, kim ngạch của ngành da giày Việt Nam ước đạt 4,18 tỷ USD tăng gần 30% so với cùng kỳ. Hiện EU là một thị trường lớn của da giày Việt Nam./.