Nguy cơ hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam
VOV.VN -Sáng 5/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp”.
Theo Bộ Công Thương, nhóm sản phẩm công nghiệp có vị trí đầu tàu trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. 9 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tới gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng cao là điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải...
Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế, do đó cơ hội mở rộng danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu là rất lớn. Nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, chủ yếu là vào lĩnh vực công nghiệp được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp.
Tuy nhiên, Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phố biến hơn. Theo yêu cầu về chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng như các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tăng cường tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, các lợi thế và khả năng tận dụng các ưu đãi để được hưởng lợi từ các hiệp định; tiếp tục nghiên cứu đàm phán các hiệp định mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; quy hoạch và có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; xác định một số ngành công nghiệp chủ lực để tiếp tục tạo điều kiện phát triển; đa dạng hóa mặt hàng, thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng, thị trường cụ thể…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu xây dựng quy trình quản lý phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và chủ động nắm bắt cơ hội tham gia sâu vào chuỗi kinh tế toàn cầu./.