Nhà đầu tư nên hiện thực hóa lợi nhuận, giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục an toàn
VOV.VN - Theo một số chuyên gia, trong phiên giao dịch hôm nay 8/6, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc ở vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng, hiện thực hóa lợi nhuận và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn.
Áp lực chốt lời trên diện rộng
Phiên giao dịch ngày 7/6, thị trường điều chỉnh sau chuỗi sáu phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,27 điểm (-1,11%) xuống 1.358,78 điểm; HNX-Index giảm 11,13 điểm (-3,38%) xuống 318,63 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 1.064 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 32.999 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 289 mã tăng, 107 mã tham chiếu, 399 mã giảm.
Thị trường tăng nhẹ vào đầu phiên sáng 7/6 nhưng áp lực bán gia tăng sau đó đã khiến các chỉ số đồng loạt đảo chiều xuống sắc đỏ. Lực bán mạnh ở các cổ phiếu ngành ngân hàng là nguyên nhân chính khiến thị trường rơi mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Nhóm này chiếm đa số trong top 10 đóng góp giảm như: BID (-4,5%), TCB (-4%), CTG (-3,7%), VCB (-1,8%), MBB (-4,3%), ACB (-5,1%), STB (-4,5%), SSB (-4,4%)...
Ở chiều ngược lại, VIC (+1,7%), GVR (+5%), VHM (+1,4%) là 3 cổ phiếu ra sức kìm hãm đà giảm của chỉ số. Đối với HNX-Index, sắc đỏ của SHB (-7,7%) là nguyên nhân chính khiến chỉ số này mất hơn 11 điểm. Nổi bật nhất trong phiên hôm nay là các cổ phiếu ngành dầu khí khi hầu hết các mã ngành này kết phiên với sắc xanh tích cực.
Sắc tím xuất hiện ở PVC (+9,6%), trong khi đó mức giá trần cũng đã có lúc xuất hiện ở PXS (+6,3%) và PVD (+4,7%). BSR (+5,7%) cũng không chịu kém cạnh khi tăng hơn 5%, PVT (+4,5%) tăng trên 4%; PET (+3,1%), OIL (+3,4%) tăng trên 3%.
Rủi ro ngày một gia tăng
Theo ông Lê Văn Thành, Chuyên viên phân tích bộ phận Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), phiên giao dịch 7/6 như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những nhà đầu tư đi theo các dòng tiền nóng trên thị trường, đặc biệt là ở các nhóm cổ phiếu thị trường như ngân hàng hay chứng khoán. Mặc dù thị trường đã có sự phục hồi tốt vào cuối phiên cùng với đó là dòng tiền luân chuyển sang những nhóm ngành khác như bất động sản hay dầu khí khá tốt, song nếu nhóm cổ phiếu “vua” có chuyển biến xấu thì ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường là không nhỏ.
“Một cây nến giảm trong biên độ lớn và nếu không có lực kéo vào cuối phiên thì tín hiệu tiêu cực của cây nến này là khá lớn. Hiện tại các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa thấy xuất hiện tiêu cực, vì vậy, chúng tôi cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận rằng phiên 7/6 chỉ là 1 sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật hay bắt đầu một pha điều chỉnh mới”, ông Thành phân tích.
Chuyên gia của CSI cho rằng, mốc kháng cự tiếp theo của VN-Index sẽ là mốc tâm lý 1.400 điểm. Càng tiến sát mốc kháng cự này, rủi ro điều chỉnh của thị trường sẽ càng cao.
“Tuần này dự kiến sẽ là một tuần biến động mạnh của thị trường khi các yếu tố vĩ mô bên ngoài có thể không ủng hộ đến xu hướng thị trường như thời gian qua. Trước những tín hiệu của sự rủi ro đang ngày một gia tăng, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng, hiện thực hóa lợi nhuận và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn”, ông Lê Văn Thành khuyến nghị.
Thị trường có thể tiếp tục giằng co và rung lắc
Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước giảm mạnh phiên 7/6 không đến từ những tác động bên ngoài mà có lẽ là một phản ứng của nhà đầu tư trước rủi ro kẹt lệnh của hệ thống giao dịch. Tình trạng chậm lệnh của sàn HSX sẽ được giải quyết, nhưng rủi ro mới xuất hiện là nhà đầu tư sẽ khó có thể thực hiện được lệnh một cách chính xác.
Thị trường có phiên điều chỉnh hơn 1% kể từ cuối tháng 4, thời điểm bắt đầu chuỗi tăng hơn 1 tháng qua. Áp lực chốt lời ở phiên 7/6 đã có thời điểm khiến thị trường giảm gần 27 điểm, cho thấy rủi ro từ hệ thống giao dịch khi thị trường rung lắc. Tín hiệu tích cực phiên này là lực cầu bắt đáy vẫn mạnh mẽ ở các mã ngân hàng, độ rộng của rổ VN30 cũng ở mức trung tính.
“Nhà đầu tư có thể canh chốt lời đối với những mã cổ phiếu có lãi để bảo vệ thành quả trong khi chưa vội mở vị thế mua mới. Về kỹ thuật, xu hướng tăng kéo dài 10 tuần qua vẫn tiếp diễn, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.300-1.350 điểm”, chuyên gia của MBS nêu ý kiến.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, VN-Index điều chỉnh trở lại sau chuỗi sáu phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy áp lực bán ra trong phiên 7/6 là tương đối mạnh. Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn xu hướng thị trường dựa vào các đường trung bình thì chỉ số VN-Index vẫn đang nằm trên lần lượt các đường MA20 và MA50 cho thấy xu hướng vẫn chưa có gì thay đổi và phiên giảm 7/6 chỉ là một phiên trao đổi kỳ vọng giữa các nhà đầu tư với nhau.
“Nếu xét trên góc nhìn sóng elliott thì ngưỡng 1.400 điểm mới thực sự là một kháng cự mạnh của sóng tăng 5 hiện tại. Theo đó, trong phiên giao dịch hôm nay 8/6, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc ở vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm tỷ trọng về an toàn hoặc chốt lời với những cổ phiếu đã đạt tới mức giá mục tiêu. Những nhà đầu tư với tỷ trọng thấp nên hạn chế mua đuổi, chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm./.