Nhà đầu tư nguy cơ trắng tay vì ham làm giàu từ tiền ảo
VOV.VN - Nhiều người dân ở TPHCM có nguy cơ mất hàng chục nghìn tỷ đồng vì đầu tư vào tiền ảo, do thiếu hiểu biết và ham làm giàu từ lãi suất khủng.
Dư luận cả nước hiện đang quan tâm đến việc nhiều người dân ở TPHCM có nguy cơ mất trắng số tiền khổng lồ hàng chục ngàn tỷ đồng vì đầu tư vào đồng tiền ảo có tên là Ifan và Pincoin do Công ty Cổ phần Modern Tech (đóng tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) huy động.
Theo các chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân chính là do nhà đầu tư thiếu hiểu biết về tiền ảo và vì ham muốn làm giàu nhanh từ lãi suất “khủng” mà Công ty Cổ phần Modern Tech đưa ra.
Nhiều người dân ở TPHCM có nguy cơ mất hàng chục nghìn tỷ đồng vì đầu tư vào tiền ảo. (Ảnh minh họa: KT) |
Phải mất một thời gian nghiên cứu và tự mình làm nhà đầu tư xâm nhập, tham gia các buổi giới thiệu mời gọi đầu tư tiền ảo của một số công ty, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM mới vỡ lẽ nhiều điều qua kiểu huy động vốn từ tiền ảo này.
Ông cũng đã nhiều lần khuyến cáo mọi người, kể cả người thân đừng tham gia đầu tư vào tiền ảo, nhưng dường như không ai nghe. Họ như con thiêu thân lao vào vì ham lãi suất quá “khủng” mà không một ngân hàng nào có được. Bây giờ hiểu ra thì đã muộn, nhiều người đang trên đà phá sản, vì đổ hết tiền của vào tiền ảo.
Theo Tiến sĩ Lê Đạt Chí, gọi là tiền ảo bởi việc tạo ra tiền này rất dễ đối với các nhà khoa học máy tính và họ có thể tạo ra nhiều đồng ảo khác nhau từ các thuật toán vì đây là mã nguồn mở. Do đó, nhà đầu tư phải hiểu rằng, hệ sinh thái được tồn tại bởi các đồng tiền số như thế nào. Tại Việt Nam, tiền ảo không được đảm bảo để được vận dụng lưu hành và không có tính pháp lý. Thế nhưng các nhà đầu tư đã quá vội vàng khi đầu tư vào mà không hiểu gì về tiền số (tiền ảo) nên rủi ro cực kỳ cao.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Đạt Chí, thường thì các nhà tư vấn tài chính đều yêu cầu nhà đầu tư hiểu giá trị các khoản đầu tư đó là gì, nhưng hầu như các nhà đầu tư Việt Nam không nắm được điều này. Tại các buổi giới thiệu về tiền ảo, ông không hề thấy có nhà đầu tư nào tỉnh táo đặt ngược vấn đề các công ty dùng tiền ảo huy động vốn dùng tiền đầu tư vào đâu, nếu thua lỗ hay có dấu hiệu lừa đảo thì xử lý ra sao… Nếu mọi người tỉnh táo thì tình hình sẽ khác. Ở đây, các nhà đầu tư lại hiểu rằng tiền ảo này là loại tiền số mới ra, cứ bỏ tiền ra mua giá thấp rồi bán lại với giá cao hơn.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng, cần phải kiểm soát chặt lượng tiền mà nhà đầu tư đổ vào tiền ảo đưa ra nước ngoài bằng nhiều cách để tránh rửa tiền. “Sau khi nhà đầu tư Việt Nam bỏ tiền ra mua tiền ảo, dòng tiền này sẽ được đưa vào loại hàng hóa nào đó tại Việt Nam như: bất động sản, chứng khoán, sau đó chuyển giao tiền đó và chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp. Luật pháp Việt Nam, cơ quan có vai trò về tiền tệ của quốc gia nên có hành lang pháp lý để ngăn chặn việc rửa tiền và ngăn chặn việc sử dụng tiền sai mục đích”
Trao đổi với phóng viên VOV, luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Kinh Luân cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, các đồng tiền ảo không được xem là phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Ngân hàng nhà nước, cũng như Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên đầu tư vào tiền ảo vì đây là những hoạt động không được pháp luật thừa nhận. Nếu xảy ra sự cố thì những nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ tài sản mà mình đã đầu tư:
“Người dân dùng tiền thật để đầu tư mua tiền ảo là những giao dịch trái pháp luật. Do vậy, nếu xảy ra thiệt hại thì giữa nhà đầu tư và các công ty huy động vốn để đào tiền ảo không được pháp luật bảo hộ. Những thiệt hại luôn thuộc về nhà đầu tư. Mặt khác, theo Nghị định 96 năm 2014, hành vi dùng tiền ảo để thanh toán thì sẽ bị xử lý phạt hành chính 150-200 triệu đồng.”
Theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành, tại điều 206 có quy định về các tội danh liên quan đến hoạt động ngân hàng hoặc các hoạt động khác liên quan đến ngân hàng. Trong đó có hành vi được quy định tại điểm h, khoản 1 điều 206 đó là: dùng các phương tiện thanh toán không hợp pháp nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đến 300 triệu đồng sẽ bị phạt tiền lêm đến 300 triệu, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 3 tỉ đồng trở lên, sẽ phải đối diện với mức án 20 năm tù. Vì vậy, người dân nên cảnh giác và tuyệt đối không nên đầu tư vào tiền ảo, kể cả việc sử dụng các đồng tiền để thanh toán qua lại lẫn nhau.
Được biết, qua thông tin được đăng tải liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Đối với thông tin liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp, giao Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra xác minh sự vụ, khẩn trương báo cáo UBND TPHCM để có hướng xử lý kịp thời./.
Từ vụ lừa đảo tiền ảo ở TPHCM: Cái giá của lòng tham mù quáng