Nhà máy nước mặt sông Đuống và những “lùm xùm” không đáng có
VOV.VN -Nếu ngay khi đầu tư nhà máy nước sông Đuống, Hà Nội công khai mọi thứ, ưu đãi gì, giá nước thành phẩm là bao nhiêu...thì sẽ không có chuyện như hôm nay.
Những ngày đây, câu chuyện “lùm xùm” về Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã hâm nóng dư luận, đặc biệt là về giá nước. Chuyện doanh nghiệp đi vay tiền, trong đó có ngân hàng để đầu tư hoặc bán cổ phần là rất bình thường trong kinh doanh, được pháp luật cho phép, nhưng với dự án của bà Đỗ Thị Kim Liên (shark Liên), điều này cũng bị mang ra bàn tán.
Nhà máy Nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Nhà máy nước sông Đuống là dự án nước sạch có quy mô lớn nhất trong 14 dự án cung cấp nước cho Hà Nội. Từ năm 2013, khi Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quy hoạch cấp nước cho Hà Nội, đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội ở dự án này nhưng đều bỏ cuộc. Đến tháng 3/2016, UBND TP. Hà Nội mới phê duyệt chủ trương để Aqua One và các đối tác đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Chuyện lùm xùm về giá nước lẽ ra sẽ đơn giản hơn nếu ngay từ đầu Hà Nội quyết định mọi thứ công khai minh bạch. Nhà đầu tư hưởng ưu đãi gì, như thế nào, giá nước khi hoàn thành dự án là bao nhiêu... để mọi người cùng biết và giám sát.
Giá bán nước sạch sông Đuống được tính theo cơ sở nào?
Chiều 12/11, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, trả lời câu hỏi liên quan đến mức giá tạm tính của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/mét khối, cơ sở nào để đưa ra mức giá cao hơn giá nước sạch của các đơn vị khác cùng cung ứng trên địa bàn thành phố, và lộ trình tăng giá như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội đã khẳng định việc xác định giá 10.246 đồng/m3 nước sạch là dựa trên nguyên tắc ước tính phần hao phí, căn cứ vào tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về nước sạch do Bộ Xây dựng ban hành. |
Ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội đã khẳng định: Từ năm 2017, UBND TP. Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa nhà máy nước sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Lúc đó, dự án nước sạch sông Đuống đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong khi để tính đúng, tính đủ giá nước thì phải đến khi dự án phải đi vào hoạt động, được quyết toán. Do vậy, việc xác định giá 10.246 đồng/m3 nước sạch là dựa trên nguyên tắc ước tính phần hao phí, căn cứ vào tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về nước sạch do Bộ Xây dựng ban hành.
“Sau quyết toán, kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của nhà máy nước Sông Đuống”, ông Hà cho hay.
Còn tại sao lại có sự chênh lệch lớn về giá bán nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội, theo ông Nguyễn Việt Hà là vì công nghệ nhà máy khác nhau dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Nhà máy sông Đà đưa vào khai thác 2009, chi phí đầu tư 1.555 tỷ, còn nhà máy nước mặt sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỷ đồng. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch của hai nhà máy khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau.
Bên cạnh đó, chi phí khấu hao nước mặt sông Đuống khoảng 2.100 đồng/m3; chi phí xử lý bùn thải nhà máy Sông Đuống cũng lớn hơn Sông Đà.
Toàn bộ quy trình từ lấy nước đầu vào, đến qua các công đoạn xử lý nước thô, qua các khu vực khuấy phân tách, lọc lắng đến xử lý hóa chất cho đến khi ra nước thành phẩm uống được ngay tại vòi đều được tự động hóa 100%. |
Làm việc với phóng viên Báo điện tử VOV, đại diện Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết hiện nhà máy đang áp dụng mức giá tạm tính 7.700 đồng/m3 trước khi có mức giá chính thức sau khi quyết toán.
Công nghệ sản xuất nước sạch tiêu chuẩn châu Âu
Việc lựa chọn địa điểm xây dựng, lấy nguồn nước sông Đuống để xử lý cung cấp cho Thủ đô đã được nghiên cứu, phân tích kỹ qua nhiều lần lấy mẫu, quan trắc chất lượng nước, biến đổi dòng nước trong vài chục năm trở lại đây của Cục Khí tượng và Thủy Văn và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Toàn bộ quy trình từ lấy nước đầu vào, đến qua các công đoạn xử lý nước thô, qua các khu vực khuấy phân tách, lọc lắng đến xử lý hóa chất cho đến khi ra nước thành phẩm uống được ngay tại vòi đều được tự động hóa 100%.
“Toàn bộ nước sông Đuống phía thượng lưu 2km, và hạ lưu 2km đều được bố trí công nhân của nhà máy tuần tra, đảm bảo không có vi phạm và xả thải. Nước khi vào cửa nhận nước thô cứ 15 phút lại được lấy mẫu quan trắc tự động 1 lần”, đại diện Công ty nước mặt sông Đuống cho hay.
Nước từ cửa nhận nước ngoài sông Đuống được hệ thống bơm cao áp bơm vào đường ống phi 1.800 dẫn kín thẳng vào khu bể lắng trước khi được bơm vào các hệ thống xử lý.
Đại diện công ty nước mặt sông Đuống khẳng định nước sạch của nhà máy có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về nước sạch sinh hoạt. |
“Công nghệ xử lý nước hoàn toàn của các nước Tây Âu. Các công đoạn được tự động hóa 100%, công nhân vận hành chỉ đi lấy mẫu quan trắc ngẫu nhiên theo quy trình. Chúng tôi khẳng định nước sạch của nhà máy có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về nước sạch sinh hoạt”, đại diện Công ty khẳng định người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm nếu uống nước trực tiếp tại vòi.
Trong quá trình thực hiện dự án này, đơn vị tư vấn cũng nhiều lần lấy mẫu, xét nghiệm, các chỉ tiêu nguồn nước sông Đuống đều đạt điều kiện để dùng cho mục đích sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội cũng có biện pháp bảo vệ an toàn nguồn nước mặt sông Đuống, coi đây là nguồn tài nguyên quý giá thay thế cho nguồn nước ngầm ngày một ô nhiễm, suy thoái về trữ lượng.
Cửa nhận nước mặt từ nguồn nước sông Đuống vào có hệ thống quan trắc tự động và hệ thống phao quây chặn dầu nổi rất hiện đại. |
Đại diện công ty nước mặt sông Đuống cho rằng, không thể so sánh giá bán nước của dự án này với nhà máy nước sông Đà. Dự án sông Đà đã đi vào khai thác được hơn 10 năm, tổng mức đầu tư thấp hơn (1.555 tỷ đồng) và đã khai thác được hơn 10 năm, khấu hao đã hết, đương nhiên sẽ có lợi nhuận và giá thấp hơn.
Hà Nội khẳng định không có lợi ích nhóm
Trả lời trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội khóa XV, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội làm rõ vấn đề quản lý nguồn nước sạch. Vấn đề được đặt ra cấp thiết với vụ ô nhiễm nước mặt sông Đà và những thắc mắc về giá nước mặt sông Đuống.
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả". |
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman (27%), doanh nghiệp Aqua One (58%), Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả". "Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ", ông Nguyễn Đức Chung cho biết.
Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. |
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư.
"Còn tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á", ông Chung nhận định.
Giá bán nước sạch cần rõ ràng, minh bạch
Nước sạch là một mặt hàng thiết yếu, liên quan đến cuộc sống của mọi người dân, trong đó có nhiều người nghèo. Giá nước sạch, giá điện, giá dịch vụ giáo dục, y tế... đều rất “nhạy cảm” với công luận. Việc Hà Nội có chủ trương thu hút các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, có công nghệ cao đầu tư vào nước sạch là hoàn toàn đúng đắn và cấp thiết.
Toàn bộ dây chuyền nhà máy nước sông Đuống nhập khẩu từ Tây Âu và tự động hóa 100%. |
Các nhà đầu tư đều biết, họ sẽ không thể tùy ý quyết định giá bán nước sạch và càng không dám mạo hiểm đầu tư hàng ngàn tỷ nếu không có cam kết từ đầu của chính quyền thành phố.Vấn đề mấu chốt ở đây là cơ chế quyết định giá bán nước, làm sao đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư có lãi một cách hợp lý.
Giá nước sạch mà thành phố Hà Nội chấp nhận mua của doanh nghiệp (sau khi đã tính toán một cách minh bạch, hợp lý) với giá bán cho người dân là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước, Nhà nước vẫn phải bán lại cho dân nhiều mặt hàng thiết yếu với giá thấp hơn giá thành.
Đây là câu chuyện khác thuộc về chính sách. Về vấn đề này, Hà Nội cần phải có thái độ rõ ràng, để mọi nhà kinh doanh, dù là nhà nước hay tư nhân, trong nước hay nước ngoài đều yên tâm đầu tư vào ngành nước sạch và môi trường./.
Theo thông tin Hà Nội cung cấp, Nhà máy Nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030 công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, một phần bán cho Hưng Yên và Bắc Ninh.
Không có lợi ích nhóm ở dự án nước sạch Sông Đuống
Hà Nội nói về trợ giá nước sạch sông Đuống, không có lợi ích nhóm?
Mua nước sông Đuống, Hà Nội đề xuất chi ngân sách 200 tỷ để bù giá