Nhà vườn ĐBSCL đổ xô trồng mít Thái, lo cung vượt quá cầu
VOV.VN - Sau đợt hạn mặn khốc liệt, nhà vườn ở khu vực ĐBSCL lại đổ xô trồng mít. Tuy nhiên, diện tích tăng cao, nguy cơ dẫn đến "cung vượt cầu”.
Dù ở phía Nam quốc lộ 1, thuộc vùng ngập lũ nhưng tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có 100% đất ruộng được chuyển sang trồng cây ăn quả; trong đó phần lớn là cây mít Thái. Theo người dân địa phương, cây mít hiệu quả cao hơn cây lúa nên đổ xô trồng.
“Người dân trồng mít nhiều lắm, đa số trồng mít với chanh. Cây mít so với lúa thì hiệu quả cao hơn, chỉ sợ sau này các vùng khác trồng nhiều quá lại đụng hàng, giá lại thấp. Chúng tôi không thể nào ngăn chặn được, bởi vì người dân trồng tự phát, không có kế hoạch, quy hoạch trồng cụ thể”, ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành chia sẻ.
Những thửa ruộng tại huyện Cái Bè(Tiền Giang) nay trở thành vườn mít |
Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 hecta mít, nhiều nhất vùng ĐBSCL, tập trung nhiều ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành… Thời gian qua, có thời điểm khan hàng, giá mít lên đến trên 40.000 đồng/kg, nhưng lúc dội hàng, giảm giá còn vài nghìn đồng/kg. Nhiều trái mít không đạt chuẩn, kém chất lượng không bán được, nhà vườn phải dùng làm thức ăn cho gia súc, cá...
Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, sau hạn mặn vừa qua, nhà vườn địa phương đổ xô trồng hàng trăm hecta mít thay cho cây sầu riêng, chôm chôm, bưởi... đã bị chết hay giảm năng suất. Chính quyền địa phương đang lo ngại diện tích cây mít tăng đột biến; trong khi đó, thị trường bấp bênh.
Trái mít đầu ra nhiều thời điểm kém ổn định. |
Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: “Hiện nay, người dân có xu hướng chuyển qua cây mít. Đây là loại cây chịu được hạn mặn tương đối tốt. Tuy nhiên, qua nắm thông tin thị trường, ở các tỉnh lân cận của ĐBSCL thậm chí các tỉnh Tây Nguyên trồng rất nhiều, không khéo, cung sẽ vượt cầu về mặt sản lượng. Do đó, chúng tôi không khuyến cáo bà con đổ xô trồng mít mà nên chọn trồng các loại cây nào đảm bảo yếu tố thị trường; ngoài việc thích ứng với biến đổi khí hậu phải đảm bảo yếu tố thị trường”.
Gần đây, diện tích trồng mít ở vùng ĐBSCL tăng đến vài chục nghìn hecta, nhiều nhất là các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre… Riêng khu vực miền Đông Nam bộ nhất là Bình Phước, Bình Dương, … diện tích trồng mít cũng tăng lên đáng kể. Mặc dù, mít là loại cây có nhiều ưu điểm như: dễ trồng, năng suất cao, chi phí thấp, thời gian thu hoạch nhanh nhưng đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu chưa mở rộng. Điệp khúc “trúng mùa, mất giá” thường tái diễn, nên khi diện tích quá lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro cao.
Ông Nguyễn Văn Phương, nhà vườn ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trồng 0,5 hecta mít cho biết, trước đây hiệu quả kinh tế rất cao nhưng gần đây giá mít sụt giảm nên lãi thấp.
Một vườn mít ở xã Mỹ Phong ( Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang) vừa bị phá bỏ nhường cho cây dừa. |
Ông Phương cho rằng, nông dân không nên trồng mít “chạy” theo phong trào sẽ dẫn đến rủi ro về đầu ra. “Trước đây tôi đã trồng cây mít, nhưng hiện nay, trồng mít cung vượt cầu quá nhiều, mà đầu ra chỉ có ở Trung Quốc, chứ các nước khác chưa nghe nói. Do đó, phía Trung Quốc ngưng nhập hoặc không nhập thì mình lệ thuộc giá cả, rất bấp bênh, không ổn định. Theo tôi, không nên trồng cây mít nữa mà chọn trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn, ổn định hơn”, ông Phương nói.
Rõ ràng, việc nhà vườn ĐBSCL ồ ạt trồng cây mít Thái để giảm rủi ro do hạn mặn lại sẽ dẫn đến nguy cơ khó khăn về đầu ra khi thị trường xuất khẩu chưa mở rộng. Do đó, ngoài việc liên kết sản xuất, đẩy mạnh hoạt động chế biến trái mít theo hướng xuất khẩu, chính quyền và ngành chức năng các địa phương cần chú trọng khâu quy hoạch vùng trồng loại cây ăn quả này. Trong đó, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn chọn trồng các loại cây ăn trái có năng suất, chất lượng và đảm bảo yếu tố cung cầu của thị trường; có giá trị xuất khẩu cao./.