Nhân rộng mô hình thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững
VOV.VN - Người trồng tiêu đang phổ biến sử dụng phân hữu cơ và hệ thống tưới tự động, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuốc hóa học.
Thời gian qua, tình trạng bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu ngày càng khó kiểm soát. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình thâm canh cây tiêu bền vững nhằm hạn chế được rủi ro và mang lại năng suất ổn định cho người trồng tiêu.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu liên tục tăng trong những năm qua khiến người dân ồ ạt trồng mới, đầu tư thâm canh và lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích… để tăng năng suất. Điều này đã vô tình tạo ra môi trường cho dịch bệnh, nấm hại tấn công và phát triển, khó kiểm soát, đặc biệt là các bệnh chết nhanh và chết chậm.
Nhằm hạn chế sự phát triển và lây lan của nấm bệnh và tuyến trùng gây hại, khắc phục tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, giữ ổn định cho vườn cây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai và nhân rộng mô hình thâm canh cây tiêu bền vững. Mô hình hướng dẫn người trồng tiêu sử dụng phân hữu cơ, hệ thống tưới tự động, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học cũng như hướng dẫn thiết kế vườn thông thoáng tạo quang hợp cho cây tiêu.
Vườn tiêu trồng theo hướng thâm canh bền vững, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh. |
Thêm vào đó, đất trồng tơi xốp hơn, hệ rễ phát triển tốt, mật độ bị tuyến trùng gây hại rễ giảm nhiều so với trước đây. Đặc biệt, vườn tiêu nhà ông không bị bệnh chết nhanh, hạn chế được bệnh chết chậm gây hại. Năng suất đạt ổn định ở mức từ 4,5 – 5 tấn/héc ta, nếu giá tiêu ở mức 100.000 đồng/kg bình quân mỗi năm 2 ha của gia đình ông cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
“Muốn cho cây tiêu ổn định, khi thu hoạch xong vào đầu mùa mưa cần tiến hành tưới, bón phân hữu cơ vào gốc, phân lân bổ sung để giúp cho cây có sức chịu đựng để tạo mầm hoa, sau đó là cần làm cho cây thông thoáng, mỗi trụ cách nhau 3 mét, cao khoảng 6,5 mét”, ông Ẩm chia sẻ. .
Ông Đỗ Hồng Sơn, ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, vườn tiêu 2,5 ha của gia đình đang trong giai đoạn cho trái vụ đầu tiên, năm đầu năng suất khoảng 4 tấn/héc ta. Hiện cây tiêu đang phát triển rất ổn định và chưa thấy xuất hiện dấu hiệu sâu bệnh tấn công. Ông Sơn chia sẻ, nếu chăm sóc tốt cộng với thời tiết ổn định, năng suất năm thứ hai sẽ cao hơn rất nhiều vì cây tiêu nhìn rất khỏe mạnh.
“Tiêu lớn mỗi năm cũng thu được 4 - 5 tấn. Khi hái xong cần phải tưới nếu không tưới cây tiêu sẽ bị hóc. Dự tính năm sau tiêu sẽ có năng suất sẽ cao hơn vì cây tiêu lớn hơn”, ông Sơn cho biết.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có gần 12.000 ha diện tích canh tác cây tiêu, tập trung nhiều ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Tân Thành… Tới đây, tỉnh này sẽ căn cứ vào lợi thế đất đai, nguồn nước, khí hậu của từng địa phương để quy hoạch loại cây trồng này, dựa trên nhu cầu thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.
Tỉnh cũng đã giao cho Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân, đưa ra các khuyến cáo, rủi ro để định hướng cho người dân thâm canh theo hướng bền vững.
Kỹ sư Trần Thị Thiên Hương, Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trung tâm khuyến cáo bà con lắp đặt hệ thống tưới tự động để không làm cho vùng quanh rễ tiêu bị tổn thương. Khi tưới thủ công sẽ làm cho đất bị xói mòn và bị chai, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng.
Phát triển cây tiêu theo hướng bền vững là cách làm đúng của ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu. Do vậy, thời gian tới ngành NN&PTNT tỉnh này sẽ tăng cường công tác tập huấn canh tác cây tiêu cho người dân, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng trong việc sử dụng phân bón trung, vi lượng nhằm tăng khả năng đề kháng và chống chịu cho vườn tiêu trong giai đoạn kinh doanh./.
Trồng tiêu bằng mọi giá - Nông dân nhận trái đắng