Nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng sao cho phù hợp?

VOV.VN -Nhu cầu về máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong nước rất lớn do vậy quy định nhập khẩu mặt hàng này vẫn còn nhiều ý kiến.

Đầu tháng 9 tới đây, Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN (Thông tư 20) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chính thức có hiệu lực trong việc quy định máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (bao gồm cả phụ tùng, linh kiện, bộ phận thay thế) nhập khẩu về Việt Nam phải đảm bảo có chất lượng còn lại từ 80% trở lên, thời gian đã qua sử dụng không được vượt quá từ 3 -15 năm tùy từng chủng loại.

Mặc dù chưa chính thức có hiệu lực, song Thông tư 20 đã khiến các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế quan tâm lo lắng, trong số này có cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy móc thiết bị xây dựng và nông nghiệp Việt Nam.

Phụ thuộc nguồn thiết bị mới?

Theo ông Phan Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển máy xây dựng Việt Nam (Vinacoma), thị trường máy móc, thiết bị xây dựng tại Việt Nam thời gian qua phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu từ nước ngoài. Giá trị nhập khẩu thiết bị, máy móc xây dựng hàng năm chiếm tới hơn 90% tổng giá trị của ngành xây dựng.

“Thị trường máy móc, thiết bị xây dựng cũ và mới nên được tạo điều kiện tồn tại, phát triển đồng hành và linh hoạt. Khi đó, với những thiết bị sản phẩm máy móc đã cũ sẽ là phân khúc thị trường dành cho các doanh nghiệp xây dựng với mức đầu tư thấp vẫn có cơ hội tận dụng. Với những thiết bị phụ tùng mới sẽ đáp ứng cho những dự án lớn, nhằm đưa được công nghệ tiên tiến nhất của thế giới áp dụng cho ngành xây dựng Việt Nam”, ông Hải bày tỏ.


Nhiều máy móc đã qua sử dụng đang hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: KT)
Trong khi đó, ông Lê Văn Định, đại diện Công ty TNHH thương mại Minh Thành lại cho rằng, Thông tư 20 đang hướng các ngành nghề đều phải phụ thuộc và nguồn thiết bị mới, có những điểm chưa phù hợp đối với những thiết bị máy móc chuyên dụng phục vụ thi công.

“Thực tế cho thấy, máy móc, thiết bị xây dựng đã qua sử dụng lại rất phù hợp với quy trình và điều kiện hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều thiết bị máy mới đã không phát huy hết công dụng trong quá trình khai thác vận hành. Đặc biệt, những dòng sản phẩm mới luôn có giá nhập khẩu rất cao khiến doanh nghiệp kinh doanh khó bán, người sử dụng không dễ tiếp cận vì mức đầu tư lớn. Vì thế, nhiều thiết bị mới mặc dù đã được các doanh nghiệp nhập khẩu nhưng không thể hấp dẫn người sử dụng”, ông Định cho biết.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồng Hà cùng chung nhận định khi cho rằng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn và phải tính toán kĩ hiệu quả trong việc đầu tư thiết bị máy móc.

“Doanh nghiệp đã từng mua 1 tổ hợp xe máy bơm bê tông đời mới có giá hơn 11 tỷ đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng đã không mang lại hiệu quả hơn so với những dòng máy cũ theo tiêu chuẩn châu Âu lại có giá thành rẻ. Qua việc này đã chứng tỏ một điều, hãy là người tiêu dùng thực dụng trong quá trình đầu tư. Máy móc thiết bị cốt yếu phải đạt được hiệu suất sử dụng, và đảm bảo độ an toàn cũng như các tiêu chuẩn chung đã quy định khi đăng kiểm và kiểm định. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng không dại gì đầu tư máy móc, thiết bị quá cũ nát để tốn chi phí sửa chữa cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động trong quá trình sử dụng”, ông Quỳnh nói.

Khó thẩm định chất lượng thiết bị nhập khẩu

GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, giải quyết vấn đề thiết bị công nghệ bao giờ cũng phải căn cứ trên nhu cầu thực tế. Thời gian gần đây, Việt Nam đã có chủ trương sử dụng “công nghệ thích hợp và phù hợp” thay cho cách nói “công nghệ hiện đại” như trước đây. Do đó, máy móc, công nghệ cũ không hẳn đã là công nghệ không thích hợp.

“Tại sao lại quy định chất lượng của máy móc thiết bị là 80% và làm thế nào để biết được chất lượng máy móc thiết bị còn lại 80%? Hiện nay không có cơ quan nào thẩm định được một nhà máy, một dây chuyền hay một thiết bị có chỉ số chất lượng còn lại là bao nhiêu. Cho nên quy định cụ thể về mức độ chất lượng, thời gian sử dụng nào đó là không thuyết phục. Bộ KH&CN phải giải thích cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về điều này”, GS.TS Nguyễn Mại chỉ rõ.

Nêu lên những khó khăn trong công tác đăng kiểm và kiểm định khi triển khai áp dụng Thông tư 20, Thạc sĩ Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bày tỏ, Bộ KH&CN cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết cho việc đánh giá chất lượng máy móc, phụ tùng khi đăng kiểm, nhưng cũng phải đảm bảo thực hiện đúng theo Luật Sản phẩm và chất lượng hàng hóa, tránh chồng chéo quy định khiến cơ quan này khó thực hiện việc đánh giá và kiểm định.

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị, máy móc xây dựng, bà Trần Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) chia sẻ, việc ban hành Thông tư 20 nhằm điều chỉnh hành vi nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trong tất cả các ngành nghề.

“Thực tế hiện hiện nay, nhiều máy móc thiết bị thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau khi nhập khẩu về Việt Nam với chất lượng quá cũ nát, nhiều thiết bị không thể hoạt động được đặc biệt là trong khối doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình nhập khẩu máy móc quá cũ. Do vậy, thời điểm cũng như tỷ lệ chất lượng quy định trong thông tư để tránh việc doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị quá cũ và lạc hậu”, bà Nhung giải thích.

Tuy nhiên, bà Nhung cũng khẳng định, trên phương diện quản lý, Nhà nước không đóng chặt cửa đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thiêt bị phụ tùng. Thông tư 20 cũng đã chỉ rõ, các doanh nghiệp vẫn có thể kiến nghị kéo dài thêm thời gian cho sản phẩm máy móc thiết bị nhập khẩu nếu chất lượng vẫn đạt tiêu chuẩn.

Không biến Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ” bằng việc hạn chế nhập khẩu công nghệ thiết bị máy móc cũ là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy vậy, là quốc gia đang phát triển, tiềm lực kinh tế có hạn, việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nhưng có chất lượng phù hợp cũng là điều cần cân nhắc tính toán, tránh được tình trạng hạn chế nhập khẩu thiết bị cũ làm thúc đẩy quá trình nhập khẩu thiết bị mới sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế trong đó có việc gia tăng giá trị nhập siêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%
Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%

VOV.VN - Chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tối đa không quá 7 năm.

Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%

Không nhập khẩu máy móc thiết bị chất lượng dưới 80%

VOV.VN - Chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tối đa không quá 7 năm.

Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ
Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ

Các doanh nghiệp vẫn phải nhập những thiết bị cũ để tương thích với những thiết bị đang sử dụng.

Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ

Doanh nghiệp FDI lo không được nhập thiết bị quá cũ

Các doanh nghiệp vẫn phải nhập những thiết bị cũ để tương thích với những thiết bị đang sử dụng.