Nhập siêu tăng vẫn đáng mừng

Thông thường, cần hạn chế nhập siêu, nhưng trong tình cảnh đây đó sản xuất đình đốn như hiện nay, nhập siêu tăng chứng tỏ vẫn có doanh nghiệp “sống khỏe”.

Không phải mọi doanh nghiệp đều… tắc

Theo nhiều chỉ số về xuất nhập khẩu trong quý I và hết tháng 5/2012, tình hình kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2012 của nước ta gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính, về yếu tố ngoại vi là do chịu tác động tiêu cực chung của dư địa khủng hoảng kinh tế thế giới. Còn trong nội vi, do lãi suất ở mức cao, nguồn cung vốn bị thắt chặt, nhu cầu tiêu dùng thấp (do người dân thắt chặt chi tiêu sau năm 2011 lạm phát ở mức cao khiến niềm tin tiêu dùng giảm), số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mạnh…

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất

Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất, bế tắc về vốn khiến các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn khi quyết định nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến hoạt động sản xuất trong nước bị tác động mạnh. Vì thế, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2012 chỉ tăng 4,1%, mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước.

Do đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng chậm hẳn lại so với cùng kỳ năm trước, kể cả các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý I/2012 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại đạt 24,58 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng chậm trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất quý I/2012 đạt 13,2 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, nếu xét cụ thể từng ngành hàng, lĩnh vực, thì không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn, đình trệ sản xuất.

Chỉ số nhập khẩu nghịch chiều giữa “nặng” và “nhẹ”

Báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) vừa qua thể hiện rõ sự duy trì đà tăng của nhập khẩu máy móc, phụ tùng công nghiệp nặng và chiều giảm sút của nhập khẩu máy móc, phụ tùng công nghiệp nhẹ.

Dẫn chứng từ thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, Quý I/2012, nhập khẩu máy móc, phụ tùng khối ngành công nghiệp nặng đạt mức cao nhất trong toàn ngành, với 265,1 triệu USD, chiếm 38,6% tỷ trọng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp vào mức tăng trưởng này là đa số các ngành trong khối công nghiệp nặng như: ngành thiết bị điện, ngành ô tô xe máy, đóng tàu, cơ khí, tự động hóa…

Trong bức tranh chung này, tiêu biểu là từ chủ trương nâng dần tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, quý I năm nay, nhập khẩu máy móc, phụ tùng cho ngành này đã tăng trưởng khá cao với 24,2 triệu USD, tăng 38,4% so với quý I/2011. Đây cũng là ngành có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 trong khối công nghiệp nặng.

Cạnh đó, trong quý I/2012, nhập khẩu đồng loạt tăng ở các nhóm ngành như: máy móc dành cho ngành tự động hóa (tăng 91%), ngành cơ khí (tăng 74,5%), máy móc ngành thép (tăng 152,7%), máy móc ngành đóng tàu (tăng 36,8%) so với quý I/2011.

Ngược lại, đối với khối công nghiệp nhẹ, việc đầu tư mua sắm máy móc, phụ tùng tái sản xuất bị giảm mạnh. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, quý I/2012, nhập khẩu máy móc, phụ tùng khối công nghiệp nhẹ đạt 209,5 triệu USD, giảm 14,2% (giảm 34,5 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 79% so với kim ngạch nhập khẩu của khối công nghiệp nặng.

Mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2011, nhưng quý I/2012, kim ngạch nhập khẩu máy móc, phụ tùng ngành nhựa – cao su và dệt may chiếm tới 82,1%, đạt mức cao nhất trong khối công nghiệp nhẹ. Trong đó, riêng nhập khẩu máy móc, phụ tùng ngành dệt may giảm 30%.

Cùng chung xu hướng giảm này, nhập khẩu máy móc dùng cho ngành sơn, giấy, thực phẩm, đồ uống, thủy sản cũng bị giảm mạnh. Đáng chú ý, nhập khẩu máy móc ngành thức ăn chăn nuôi và ngành gỗ đạt mức tăng trưởng rất lớn, tăng 429,3% so với quý I/2011.

Mặc dù so với thời điểm năm 2010, kim ngạch nhập khẩu còn khá thấp, nhưng nhập khẩu máy móc, phụ tùng khối năng lượng, khoáng sản đã tăng trưởng mạnh so với năm 2011. Thống kê 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, phụ tùng khối năng lượng, khoáng sản đạt 13,9 triệu USD, tăng tới 101,3% so với quý I/2011.

Nhập siêu vẫn đáng mừng

Thông thường, xuất siêu sẽ tốt hơn nhập siêu, nhưng nay, trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là tình trạng sản xuất đình đốn, lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao từ đầu năm đến nay, thì khi có nhập siêu ở nhóm ngành hàng nào đó chứng tỏ còn có doanh nghiệp vẫn “sống khỏe”. Nói cách khác, “án tử hình” còn xa những doanh nghiệp này.

Bằng chứng là theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), nhập siêu của Việt Nam tháng 5/2012 tăng vọt lên mức 700 triệu USD. Đồng thời, trừ tháng đầu năm xuất siêu đến 172 triệu USD, thì các tháng sau đó bắt đầu chuyển sang nhập siêu và tăng dần. So với tổng mức nhập siêu của cả 5 tháng đầu năm cộng lại, riêng trong tháng 5, nhập siêu thậm chí còn cao hơn tới 78 triệu USD.

Xét trong toàn cục, với danh mục các ngành hàng nhập khẩu cao, đặc biệt là có nhiều nhóm hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực như nêu trên, sẽ thấy rõ còn có tín hiệu đáng mừng. Bởi đa số các sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu tăng là các loại nguyên - phụ liệu, linh - phụ kiện và phương tiện, dụng cụ phục vụ các ngành sản xuất trong nước (dệt may, da giày, bông, sợi dệt, vải...).

Điều này đồng nghĩa với tín hiệu hồi phục của các ngành sản xuất công nghiệp. Và niềm vui còn ở chỗ, nhập siêu ước khoảng 622 triệu USD, cũng chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp còn dự báo trong quý II/2012, nhập khẩu nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất sẽ tăng nhanh hơn so với quý I/2012. Rõ ràng, đâu phải cứ nhập siêu là sợ, vì hiện tại nó đang góp sức phục hồi nền kinh tế nói chung, lấy lại “phong độ” cho không ít doanh nghiệp nói riêng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên