Nhật ký khai thác thủy sản điện tử giúp ngư dân kiểm soát tốt từng chuyến biển
VOV.VN - Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Định triển khai thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên một số tàu cá đánh bắt xa bờ. Nhật ký này đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý, theo dõi và giám sát sản lượng khai thác và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Mỗi tháng, tàu cá BĐ-95526.TS của ngư dân Lê Đại Đức, trú phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đều đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa. Tàu cá này đã trang bị máy giám sát hành trình và thiết bị nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Khi tàu rời cảng cá Tam Quan, cả 2 thiết bị này được bật hoạt động cho đến khi tàu quay về cảng và hoàn tất thủ tục xác nhận nguồn gốc thủy sản mới được tắt.
Ngư dân Lê Đại Đức cho biết, tháng 10/2023, ông đầu tư hơn 20 triệu đồng để lắp đặt thiết bị nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên tàu cá của mình. Thiết bị này có sử dụng dịch vụ vệ tinh và liên kết điện thoại thông minh thông qua một phần mềm. Nhật ký khai thác thủy sản điện tử cho phép nhập thông tin chi tiết của tàu cá lưu trữ dưới mã số ID gắn với số đăng ký và chủ tàu. Nhật ký này cũng sẽ lưu lại thời gian, địa điểm của chuyến biển tại lúc xuất bến đến lúc quay về bến.
Ngư dân Lê Đại Đức cho biết thêm, nhật ký khai thác thủy sản điện tử đã khắc phục được sai số trong lúc ghi tọa độ tàu đánh bắt ngoài khơi: “Nhật ký điện tử chính xác hơn mình ghi tay. Ghi nhật ký bằng giấy có lúc mình quên ghi thì sẽ lệch từ 1 hải lý đến 2 hải lý. Khi tàu cá về bờ, Ban Quản lý cảng cá sẽ in thông tin từ nhật ký điện tử ra thì tôi thấy nhanh gọn, không có ùn tắc khi xác nhận nguồn gốc thủy sản. Sau đó chủ tàu lấy nhật ký điện tử đã được xác nhận xuống biên phòng và vào Chi cục Thủy sản xác nhận để nhận hỗ trợ nhiên liệu”.
Hiện nay, tại Cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhiều đơn vị triển khai nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên 430 tàu cá có chiều dài 15m trở lên. Các tàu khi trở về cảng cá Tam Quan sẽ được các nhân viên cảng cá hỗ trợ trích xuất nhật ký đã khai thác từ các thiết bị hoặc phần mềm quản lý. Ông Đặng Văn Dẫn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn cho biết, việc sử dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử giúp cơ quan quản lý nắm được số liệu chính xác sản lượng khai thác của từng tàu và phục vụ cho công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản, thu thập, tổng hợp số liệu kịp thời để báo cáo.
“Ngoài nhật ký giấy người ta ghi thường xuyên thì vận động tuyên truyền cho các chủ tàu, hướng dẫn cho họ tiến tới sử dụng 100% nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Nhật ký này phản ánh thực tế vị trí đánh bắt đánh bắt, vị trí thả câu, thu câu, tọa độ không bị sai thì lúc đó mình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản chính xác. Đối với nhật ký giấy, thuyền trưởng nhiều lúc ghi lệch 0,5 độ hoặc 1 độ thì rất là nguy hiểm là nó đi xa cả mấy chục km, thậm chí hàng trăm km”- Ông Đặng Văn Dẫn thông tin.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã phối hợp một số đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống nhật ký khai thác thủy sản điện tử lắp đặt trên tàu cá tại tỉnh này. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã có báo cáo về triển khai thí điểm ứng dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh.
Bước đầu cho thấy, nhật ký khai thác thủy sản điện tử giúp cung cấp dữ liệu chính xác về chuỗi cung ứng, từ khâu khai thác đến tiêu thụ. Nhật ký điện tử cũng đảm bảo thực hiện đồng bộ giữa các bên liên quan tham gia chuỗi cung ứng truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định, truy xuất đầy đủ thông tin phục vụ xuất khẩu nhanh chóng, chính xác, minh bạch, đặc biệt là đến các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao về nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên tàu cá vẫn còn một số khó khăn. Giá thiết bị hiện nay cung cấp ra thị trường là khá cao, từ 22 triệu đồng đến 25 triệu đồng/máy. Một đơn vị cung cấp khác lại chưa có giải pháp về quản lý thiết bị (dùng điện thoại thông minh) nên chưa kiểm soát được tính chính xác của nhật ký khai thác điện tử.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang hướng đến việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình có tích hợp nhật ký khai thác thủy sản điện tử: “Thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử tại tỉnh Bình Định bước đầu kết quả khá tốt. Những thiết bị này riêng lẻ, chúng tôi muốn gắn vào thiết bị giám sát hành trình 2 trong 1 và khi đó việc triển khai nhật ký điện tử này đảm bảo tốt hơn. Chúng tôi muốn có một cơ chế đồng bộ từ Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để triển khai ở địa phương. Đây là một vấn đề trước mắt giải quyết cho 1.500 tàu khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định để thực hiện tốt việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu sang các thị trường”.