Nhiều bất cập từ một “rừng” văn bản
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều văn bản chính sách, pháp luật nhưng vẫn chồng chéo, cái cần thì không có, cái có khó thực hiện.
- Chính sách về nông thôn: Nhiều nhưng thiếu tính đột phá
- Đổi mới Quốc hội: Phải siết chặt công tác soạn thảo luật
Còn nhiều hạn chế, yếu kém và phải có quyết tâm rất cao mới đạt được mục tiêu đề ra - là đánh giá chung của các ĐBQH trong phiên thảo luận ngày 5/6 về Báo cáo giám sát của UBTVQH về chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Vốn ít, hiệu quả thấp
Theo Báo cáo giám sát của UBTVQH, sau 5 năm (giai đoạn 2006-2011), đầu tư công ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT) được đánh giá “đạt nhiều thành tựu, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, giảm nghèo”.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội |
Song, tổng vốn đầu tư công cho lĩnh vực này từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng, còn thiếu so với nhu cầu (hiện chỉ đáp ứng được gần 60% vốn), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất thấp và có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn không cao…
ĐB Trần Xuân Vinh (Đoàn Quảng Nam) phân tích, tỉ lệ vốn đầu tư cho nông nghiệp so với GDP ngày càng giảm, tính ra mỗi năm một xã được đầu tư chưa đến 10 tỷ đồng. “Một xã miền núi rộng lớn mà đầu tư 10 tỷ đồng thì làm sao phát triển được kết cấu hạ tầng. Việc đầu tư lại không đúng thì hiệu quả càng yếu kém” - ông Vinh dẫn dụ.
Cùng quan điểm này, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) bày tỏ, việc giải ngân các chương trình mục tiêu Quốc gia năm nào cũng chậm, không khắc phục được. Nguyên nhân chính là cơ chế xin - cho, còn nặng tâm lý ban phát, thủ tục hành chính rườm rà, cứng nhắc. Kinh phí tới chậm nên cuối năm thi công vội vàng, chất lượng kém là khó tránh khỏi.
Chính sách nhiều nhưng chồng chéo
Nói về những bất cập liên quan đến công tác xây dựng chính sách pháp luật cho NN-ND-NT, ĐB Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Bắc Giang), Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu: Với trên 272 loại văn bản khiến cấp huyện, đặc biệt cấp xã rất khó tiếp thu, hệ thống.
Ông Cường nhấn mạnh: “Nhiều nhưng vẫn chồng chéo, cái cần thì không có, cái có khó thực hiện” và dẫn chứng: NĐ 177 của Chính phủ hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất... ra đời đã 8 năm, nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn nên đến nay hầu như không thực hiện được hoặc nhiều chính sách khác như NĐ 41, NĐ 61 đã được góp ý nhiều lần nhưng chậm được sửa đổi.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá: “Với một “rừng” văn bản, chính sách như vậy, sự trùng lặp, không đồng nhất dễ xảy ra, gây khó khăn cho công tác thực hiện”. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) lại đưa ra ví dụ về sự “vội vàng” trong việc ban hành Thông tư liên tịch số 13 quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Thông tư này ban hành ngày 28/10/2011, nội dung chỉ đạo công việc của cả năm, nhưng lại yêu cầu cuối năm - tức là chỉ còn 2 tháng nữa - phải báo cáo kết quả!
Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) tỏ ra bức xúc trước thực trạng vắng bóng dáng trạm bơm điện và kho dự trữ lúa, gạo ở khu vực ĐBSCL, dù chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. “Người nông dân mòn mỏi chờ đợi. Vậy nguyên nhân vướng mắc ở đâu? Các ngành chức năng phải giải trình cho nông dân khu vực ĐBSCL rõ” - bà Kim Bé kiến nghị.
Xóa đói giảm nghèo còn thiếu bền vững
Khá nhiều ĐB đã tập trung phân tích “nghịch lý nhiều hộ nông dân không muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo”. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nhìn nhận: “Chính chính sách xóa đói giảm nghèo đã tạo nên tư tưởng ỷ lại, người dân thích làm hộ nghèo mà không muốn vươn lên thoát nghèo”.
Thực tế, qua tiếp xúc với cử tri của Quảng Bình, nhiều người phản ánh hiện nay hộ nghèo không có nhà được xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế, không phải nộp tiền điện, tiền an ninh - quốc phòng. “Điều đó lý giải vì sao hộ nghèo lại có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với rất nhiều hộ nông dân hiện nay.
Chính vì thế, cũng có những nảy sinh giữa cán bộ thôn, bản với những hộ không được công nhận là hộ nghèo. Mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo. Ví dụ, hộ cận nghèo thì phải tiết kiệm điện, 9 giờ tắt điện mà hộ nghèo thì để điện sáng một cách thoải mái”, ông Phương dẫn chứng và đề nghị phải xem lại chính sách đối với hộ nghèo để giải quyết những mâu thuẫn không đáng có trong xã hội.
Đồng tình với nhận định trên, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) cho rằng, tình trạng xóa nghèo nhưng không bền vững đang phổ biến với tỷ lệ tái nghèo rất cao. Lý do là đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo nửa vời, thiếu tính bền vững và lãng phí, có địa phương đặt ra chuẩn nghèo cao hơn chuẩn của quốc gia, tạo nên sự bất hợp lý đối với tỉnh khác./.