Nhiều bất hợp lý trong Dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ
VOV.VN - Nhiều bất hợp lý trong Dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ được lãnh đạo một số địa phương thẳng thắn chỉ ra. Nhiều địa phương không đồng tình với một số nội dung trong dự thảo quy hoạch khi đơn vị tư vấn không tham vấn, lấy ý kiến của địa phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội nghị điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 để lấy ý kiến về Dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ này chủ trì xây dựng. Nhiều bất cập, bất hợp lý trong Dự thảo Quy hoạch vùng được lãnh đạo một số địa phương thẳng thắn chỉ ra. Nhiều địa phương không đồng tình với một số nội dung trong dự thảo quy hoạch khi đơn vị tư vấn không tham vấn, lấy ý kiến của địa phương.
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia và "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cả và "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị tham vấn, lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ mới đây, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Dự thảo còn nhiều bất hợp lý. Đến thời điểm này, đơn vị tư vấn chưa làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về quy hoạch vùng trước khi đưa ra lấy ý kiến góp ý. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành quy hoạch tỉnh và đang trình Thủ tướng phê duyệt. Nếu quy hoạch vùng cập nhật không đầy đủ, không ăn nhập với quy hoạch của tỉnh thì dễ phát sinh vướng mắc.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị xác định rõ, Quảng Ngãi là trung tâm năng lượng lọc hóa dầu. Đây là cót lõi của vùng nhưng trong quy hoạch không thể hiện nội dung này: “Quy hoạch lần này chưa nêu rõ nét quy hoạch chung cho vùng. Nếu quy hoạch không minh bạch, rõ ràng khách quan thì dẫn đến tình trạng địa phương nào nằm trong quy hoạch tốt được phân bổ nguồn lực, còn địa phương nào không có mất lợi thế, không theo kịp. Vì quy hoạch được duyệt là cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư. Đề nghị đơn vị tư vấn làm lại quy hoạch và lấy ý kiến các địa phương”.
Quy hoạch trên quan điểm phục vụ phát triển nhưng ngược lại, quy hoạch không hợp lý sẽ kìm hãm sự phát triển và gây tác động xấu đến cả vùng, khu vực.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì dự thảo nội dung quy hoạch lần này chưa nêu bật được điểm đột phá cần đầu tư phát triển nhanh trong giai đoạn trước mắt, thu hút nguồn lực cũng chưa rõ ràng. Ông Lê Trí Thanh cho rằng, tư vấn đưa ra cả vùng chỉ có 3 trục hành lang giao thông Đông - Tây chính. Tuy nhiên, với chiều dài 14 tỉnh, thành phố của cả khu vực này, 3 trục là chưa đủ. Miền Trung hẹp, các trục hành lang này có vai trò kết nối, nhằm mở rộng không gian kinh tế vùng miền Trung. Trục hành lang Đông - Tây từ Thái Lan, Lào qua cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) về Đà Nẵng hiện nay các nước đang quan tâm nhưng trong quy hoạch chỉ xem trục này là phụ. Trục hành lang nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung cũng chưa được đầu tư xứng tầm. Việc liên kết các cụm kinh tế và các địa phương trong vùng là yêu cầu thực tế chứ không phải “cưỡng bức” nó hình thành. Ông Lê Trí Thanh đề nghị cần nâng cấp các trục hành lang giao thông Đông - Tây từ Lào, Thái Lan về miền Trung Việt Nam và đầu tư một số tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, cảng Chu Lai đã định vị vai trò vị trí quan trọng đối với cả vùng. Tại Khu kinh tế Chu Lai đã hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí, phụ trợ và sắp tới hình thành trung tâm chế biến hàng nông sản xuất khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia và Tây Nguyên. Tập đoàn Thaco đã đăng ký xây dựng một cảng nước sâu tại khu vực này gắn với chế biến hàng xuất khẩu về ô tô, cơ khí và hàng nông sản. Vì có lượng hàng hóa ổn định, có nguồn ra nên sự hình thành cảng Chu Lai là tất yếu. Đây là cơ sở để Thaco bỏ ra 5000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cảng này. Vì vậy, cảng này phải ưu tiên đưa vào đầu tư sắp tới. Ông Lê Trí Thanh cho rằng, nội dung quan trọng này trong dự thảo quy hoạch không đưa vào cần được xem lại: “Tôi đề nghị phải làm rõ đối với công trình trọng điểm, các công trình hạ tầng đầu mối quan trọng có khả năng nguồn lực từ bên ngoài, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Muốn như vậy, từng tiểu vùng phải có cơ chế riêng cho từng vùng”.
Một nội dung gây nhiều tranh cãi là trong dự thảo quy hoạch có đề xuất khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia đặt tại tỉnh Quảng Nam và 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Đề xuất này của đơn vị tư vấn vấp phải sự phản đối quyết liệt của các địa phương.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hiện nay, dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ mới đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện. Đơn vị tư vấn quy hoạch chỉ phụ giúp nghiên cứu đề xuất, quyết định quy hoạch là Chính phủ, các địa phương, Hội đồng vùng, chuyên gia... Lập quy hoạch vùng là việc vô cùng khó, chúng ta chưa làm quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên đòi hỏi các địa phương cùng tham gia góp ý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, toàn vùng có 14 địa phương, đến nay đơn vị tư vấn mới làm việc với 9 địa phương, còn lại 5 địa phương, trong đó có Quảng Nam, Quảng Ngãi chưa kịp làm việc. Thời gian tới, Bộ và đơn vị tư vấn sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành, tạo sự thống nhất để quy hoạch vùng đủ điều kiện trình lên Chính phủ. Đối với ý kiến xây dựng khu xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đề nghị tư vấn xem xét lại, không nên đưa khu xử lý rác tập trung dồn vào một địa phương: “Khi bàn đến liên kết vùng là rất khó, vì địa phương nào cũng muốn đưa bệnh viện, trường học về tỉnh mình, nhưng khu xử lý chất thải thì không ai muốn đưa về. Đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu nên làm theo hướng cục bộ, chứ chưa chắc phải làm tập trung. Việc thu gom xử lý tập trung là vấn đề rất lớn".
Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, hơn ai hết, các thành viên, lãnh đạo các địa phương trong vùng hiểu rõ về văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên, thế mạnh của địa phương. Vì thế, trong quy hoạch, cần xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau; Cần xác định thứ tự ưu tiên để lần lượt quy hoạch và đầu tư, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nếu xác định được vấn đề lớn như vậy thì sẽ giải quyết được bài toán hạn chế nguồn lực và đầu tư dàn trải không hiệu quả: “Quy hoạch tổng thể của vùng này là bước chuyển đổi từ chủ trương, chính sách cho đến khâu thực hiện rõ ràng nhất. Bây giờ, chúng ta phải đặt quan điểm chúng ta là người của vùng này, mong muốn có sản phẩm của vùng, trong vùng cần xác định cái gì khác biệt với vùng khác. Chứ nếu chúng ta xác định nhiệm vụ như của của từng địa phương thì chưa thể được. Đừng bình luận nó ở góc độ tiếp cận của địa phương mà hãy nhìn cho cả một vùng”.
Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch này giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương./.