Nhiều chủ tàu cá ở Quảng Trị bị ngân hàng kiện ra tòa
VOV.VN - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện 10 chủ tàu cá.
Trước đó, 10 chủ tàu cá này đã vay vốn đóng tàu theo Nghị đinh 67về một số chính sách phát triển thủy sản nhưng không trả nợ theo kỳ hạn đã cam kết, phát sinh nợ xấu và dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Đến giữa năm nay, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã cho 10 chủ tàu cá vay 178 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 144 tỷ đồng. Phía Ngân hàng đã nhiều lần làm việc với các chủ tàu để tháo gỡ khó khăn và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ.
Ngân hàng BIDV Chi nhánh Quảng Trị sẽ khởi kiện 10 chủ tàu cá đóng để xử lý nợ. |
Tình trạng nợ kéo dài gần 2 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng. Hiện, Ngân hàng đang hoàn thiện hồ sơ khởi kiện các chủ tàu để xử lý nợ.
Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị cho biết, vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 do các Ngân hàng huy động trong dân với lãi suất lên tới 8,4%/năm nhưng cho ngư dân vay lại chỉ với lãi suất 1%/năm là rất ưu đãi.
Theo ông Hồ Sỹ Trọng, hiện thời gian trả nợ được Trung ương nâng từ 11 năm lên 16 năm nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng an toàn về vốn, vừa phù hợp với vòng đời của tàu cá nên không thể gia hạn thêm được nữa.
"Đề nghị ngư dân cố gắng làm ăn tiết kiệm để hoàn trả nợ của Ngân hàng. Theo quy định nếu không trả nợ đúng hạn, ngoài nguyên nhân khách quan ra, thì phần không đúng hạn đó sẽ không được hỗ trợ lãi suất. Cuối cùng nếu không được nữa, Ngân hàng phải dùng chế tài để xử lý một vài tàu. Đặc biệt nếu phát hiện ra những tàu chây ì trả nợ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn mặc dù phải bán tàu đi để thu hồi thấp hơn vẫn phải làm", ông Trọng nói.
Sau 1 thời gian triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản tại tỉnh Quảng Trị hầu hết các khoản vay đóng mới tàu cá đều bị chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu.
Các chủ tàu nêu ra hàng loạt nguyên nhân chậm trả nợ đối với ngân hàng như: Thời tiết không thuận lợi, sản lượng đánh bắt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí chuyến biển; ngư trường đánh bắt ngày càng bị thu hẹp...
Nhiều chủ tàu cá không trả nợ đúng hạn cho Ngân hàng. |
Ngư dân Hồ Văn Hoàn, ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho rằng, những khoản nợ quá hạn, nợ xấu của ngư dân có nguyên nhân khách quan chứ không phải ngư dân chây ì, không muốn trả nợ cho Ngân hàng. Nếu Ngân hàng khởi kiện ngư dân để xử lý nợ, tàu bị thanh lý thì bà không còn phương tiện để vươn khơi, tìm nguồn trả nợ.
Ngư dân Hồ Văn Hoàn lo lắng: "Nếu chúng tôi làm ăn mà không có trách nhiệm với Ngân hàng thì đó là phạm luật. Nhưng bây giờ vướng nhiều vấn đề chồng chéo cho bà con. Chúng tôi mong Lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành kết hợp với Ngân hàng có cách tháo gỡ cho bà con. Cũng mong muốn cho Nghị định 67 thực sự đi vào cuộc sống và phải có cách nhìn thực tế hơn".
Trong 2 năm 2016 và 2017, nhiều ngư dân tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ vay vốn để đóng mới tàu cá, chủ yếu là tàu vỏ thép. Ngư dân tỉnh này đã đóng mới 25 tàu cá, nâng cấp 118 tàu với tổng số tiền giải ngân hơn 431 tỉ đồng. Tàu đóng mới chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả hoạt động không như mong muốn, nhiều tàu thua lỗ.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, gần 2 năm nay, chủ một số tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 không trả được nợ theo cam kết, chuyển sang nợ xấu.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đôn đốc các chủ tàu thực hiện đúng hợp đồng cam kết với ngân hàng. Ngư dân đã được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước phải có trách nhiệm trả nợ cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng.
"Không có Ngân hàng nào phàn nàn nói rằng ngư dân chây ì, trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cam kết vay vốn với Ngân hàng. Tuy nhiên có nợ chậm, có nợ xấu, có nợ quá hạn nhưng chủ yếu do điều kiện khách quan", ông Đồng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Xóa nợ, khoanh nợ, giản nợ thì trong quy định có rồi, mà quy định như vậy là quy định mềm, quy định theo hướng có lợi cho người dân. Khi xảy ra vấn đề gì, hai bên chấp hành đúng hợp đồng không bàn cãi về việc quá hạn mà cứ đưa hợp đồng ra để thực hiện đúng cam kết"./.