“Dính” hạn ngạch, hơn 700 tàu cá Phú Yên phải chuyển đổi nghề
VOV.VN - Hơn 700 tàu cá đánh bắt xa bở ở tỉnh Phú Yên nay phải chuyển vào đánh bắt vùng lộng khiến ngư dân vô cùng khó khăn.
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ đầu năm nay quy định rõ việc cấp hạn ngạch đối với tàu cá khai thác trên biển nhằm tăng cường quản lý, hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Theo đó, những tàu cá dài từ 15m trở lên mới được hoạt động tại vùng khơi, còn tàu dưới 15m chỉ hoạt động vùng lộng hoặc ven bờ.
Theo qui định này, hơn 700 phương tiện tàu cá ở tỉnh Phú Yên trước đây đánh bắt xa bờ phải chuyển vào đánh bắt vùng lộng. Ngư dân đang gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi nghề.
Từ 3 tháng nay, tàu cá PY 96353 của ngư dân Nguyễn Văn Vinh, ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chuyên câu cá ngừ đại dương ở vùng khơi phải nằm bờ. Ông Vinh cho biết, trước đây, tàu cá của ông có công suất máy trên 90CV được cấp phép hoạt động xa bờ. Bây giờ theo qui định mới, tàu dài từ 15m trở lên mới được phép hoạt động xa bờ đang gây không ít khó khăn cho ngư dân.
Nhiều tàu cá không đủ kích thước 15m không có ngư trường hoạt động |
Theo ông Vinh, tàu ông thiết kế chuyên khai thác cá ngư đại dương ở vùng khơi. Bạn thuyền của ông lâu nay cũng quen với nghề khai thác cá ngừ đại dương. Hiện nay, tàu không đủ điều kiện buộc phải chuyển vào vùng lộng và phải tính đến việc phải chuyển đổi nghề khai thác, trong khi ngư cụ, thiết bị đánh bắt cũng sẽ phải thay mới gây tốn kém không nhỏ.
“Những năm trước, tàu tính theo công suất (CV) để đóng thuế và được hỗ trợ tiền dầu hàng năm, cứ mỗi chuyến được hỗ trợ mấy chục triệu đồng. Nay tàu từ 15m trở lên mới được hỗ trợ nên mỗi tàu loại này chỉ đi được mỗi thuyền 2 chuyến. Dù khó khăn nhưng ngư dân vẫn phải làm để có thu nhập cho anh em bạn tàu, nếu không có thu nhập, anh em nghỉ làm hết”, ông Vinh cho biết.
Trước đây, căn cứ theo công suất máy tàu, tỉnh Phú Yên có đội tàu trên 90CV gần 1.200 chiếc được cấp phép hoạt động xa bờ, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương. Đây cũng là nghề truyền thống nổi tiếng của ngư dân tỉnh Phú Yên.
Nay theo quy định mới, tỉnh Phú Yên chỉ còn 451 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện khai thác vùng khơi; 732 chiếc còn lại buộc phải chuyển đổi vào vùng lộng khai thác hoặc phải cải hoán, nâng cấp cho đảm bảo các điều kiện quy định. Nhiều làng biển hàng chục năm nay ngư dân vẫn gắn bó với nghề câu cá ngừ đại dương, nay phải chuyển nghề khiến bà con lo lắng.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, trước đây chủ tàu chỉ đầu tư nâng công suất máy để đủ điều kiện đánh bắt xa bờ, không chú trọng đến kích thước tàu. Nay Nhà nước căn cứ vào kích thước tàu để cấp phép sẽ khiến rất nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ không đủ điều kiện. Ngư dân rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ bà con tháo gỡ vướng mắc này.
“Tàu đánh bắt ngoài khơi phải sắm ngư lưới cụ theo nghề khơi, còn nếu đánh bắt ở lộng phải sắm ngư lưới cụ theo nghề lộng. Ngư lưới cụ nghề không không đưa vào đánh bắt trong lộng được vì bị vướng. Đề nghị Nhà nước nên có chính sách để cho chủ tàu dưới 15m yên tâm sản xuất, đánh bắt”, ông Thuẫn đề xuất.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN7PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay, Bộ chỉ cấp hạn ngạch cho tỉnh Phú Yên là 451 tàu khai thác ở vùng biển khơi. Tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT cấp bổ sung hạn ngạch khai thác thủy sản ngoài khơi cho 732 tàu cá còn lại. Số lượng tàu cá này bằng với số tàu đã được cấp giấy phép trước đây. Song song với đó, tỉnh Phú Yên cũng hướng dẫn các chủ tàu cải hoán phương tiện cho phù hợp với các quy định hiện hành.
“Trong quy định vẫn cho phép chủ tàu dưới 15m có thời gian xử lý chuyển tiếp. Tàu cá nào khai thác vùng biển khơi dưới 15m, trước đây được cấp giấy phép vẫn tiếp tục được khai thác ở vùng khơi cho đến khi giấy phép hết hạn. Trong thời gian đó, chủ tàu có thể cải hoán và nếu giấy phép hết hạn sẽ làm lại giấy đăng kiểm nếu cải hoán và làm lại giấy phép khai thác. Sắp tới, tỉnh sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT có thể xem xét cấp phép bổ sung cho dân hoạt động, không để gián đoạn”, ông Phương nêu giải pháp./.
Ngư trường cạn kiệt, tàu cá nằm bờ, ngư dân nợ nần chồng chất