Nhiều điểm mới trong Luật Đấu thầu
VOV.VN - Trong chương 9, trước đây trong quá trình đấu thầu mọi thông tin được giữ kín thì nay chỉ bí mật với những người không liên quan.
Sáng 13/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giới thiệu những nét mới, cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2013 nhằm cập nhật kịp thời và truyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
Luật Đấu thầu đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, gồm 13 chương với 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu năm 2005, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, Luật Đấu thầu năm 2005 hết hiệu lực thi hành, bãi bỏ Mục 1 chương VI Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.
Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Luật Đấu thầu 2013 được sử dụng trên cơ sở yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn Nhà nước, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước.
Ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh: việc ban hành Luật Đấu thầu năm 2013 nhằm xây dựng luật chung, pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và đảm bảo tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật. Trong suốt quá trình soạn thảo dự án, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bám sát quan điểm chỉ đạo và đã đạt được 10 mục tiêu cơ bản đặt ra.
Trong đó có việc: Sửa đổi một số quy định hiện hành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu theo tinh thần Nghị quyết số 25/NĐ-CP này 2/6/2010 và Nghị quyết số 70/NĐ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ.
Đồng thời luật quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể. Luật 2013 đã quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư… Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước; Quy định hình thức đấu thầu mua sắm tập trung; Tăng cường giám sát về đấu thầu.
“Luật đầu thầu năm 2013 được đánh giá là có bước tiến trong việc tăng cường giảm sát, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện theo hợp đồng, bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với từng loại hoạt động trong quá trình đầu thầu để có cơ sở quy định chế tài xử lý vi phạm tương ứng với từng hành vi vi phạm”, ông Tăng nói.
Ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh: Với những nội dung được quy định rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ trên, Luật Đấu thầu năm 2013 được kỳ vọng là sẽ cải thiện rõ rệt trong quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu nói riêng, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước nói chung trong thời gian tới./.