Nhiều hộ dân mất đất sản xuất do nạn khai thác cát trái phép
VOV.VN -Tình trạng này tại khu vực ven sông Sài Gòn, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Tình trạng sạt lở đất kéo dài từ nhiều năm nay đã khiến cho hàng trăm hộ dân có đất canh tác ven sông Sài Gòn, thuộc khu vực xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương lo lắng. Mặc dù, người dân đã phản ảnh nhiều lần đến các ngành chức năng, nhưng đến nay sạt lở vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
Tại khu vực đất canh tác ven sông Sài Gòn, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, đất bị sạt lở diễn ra khá thường xuyên khiến nhiều diện tích đất canh tác của nông dân bị mất dần. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do họat động khai thác cát trên sông diễn ra ồ ạt bất kể ngày đêm từ nhiều năm nay. Dù người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh nhưng đoạn sông này vẫn không ngừng bị “rút ruột” với số lượng hàng trăm tấn cát tận thu mỗi ngày.
Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, toàn bộ diện tích đất chạy dọc ven sông của gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Xóm Bến, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã bị sạt lở, ăn sâu vào hơn 3 mét, gây thiệt hại gần 100 mét vuông đất canh tác.
Ông Nguyễn Văn Tỵ nói: “Sạt lở ở đây nguy hiểm lắm. Nông dân muốn đầu tư sản xuất cũng khó vì sạt lở bất thường. Ghe cứ đưa vòi vào sát đất canh tác hút cát nên nông dân bỏ ruộng cũng nhiều. Chúng tôi mong Nhà nước không cho ghe hút cát hoạt động nữa”.
Theo các ngành chức năng của huyện Dầu Tiếng, các ghe khai thác cát trái phép này chủ yếu đến từ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Dù đã nhiều lần bị xử lý và viết cam kết chấm dứt khai thác cát, nhưng các đối tượng này không thực hiện mà trái lại vẫn tiếp tục hoạt động, chủ yếu khai thác vào đêm khuya. Trong khi đó, lực lượng chức năng tại chỗ vừa ít vừa thiếu phương tiện nên khó xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Ông Lê Vĩnh Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi đã bắt khá nhiều trường hợp vi phạm nhưng đâu lại vào đấy, các chủ phương tiện tiếp tục hoạt động. Nếu muốn chấm dứt tình trạng này, tỉnh, huyện, xã phải phối hợp xử lý”./.