Nhiều khuất tất trong gói thầu thiết bị y tế ở thành phố Phú Quốc
VOV.VN - Gói thầu có giá trị lớn được Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ có mức “tiết kiệm”ngân sách siêu thấp chỉ 1%, giá thiết bị cũng có dấu hiệu cao hơn so với nhiều địa phương khác.
Các thiết bị y tế mua cao hơn các nơi khác hàng tỷ đồng
Ngày 20/1/2022, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang đã ký Quyết định số 40/QĐ-SYT để phê duyệt cho Công ty TNHH Thương mại thiết bị Y khoa Nguyễn Tùng trúng “Gói thầu số 13: Mua sắm TB2 (Máy CT Scanner, Máy đo loãng xương, Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim) thuộc dự án cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị Trung tâm y tế thành phố Phú Quốc” trị giá hơn 14,8 tỷ đồng.
Trước đó, gói thầu này được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phú Quốc (do ông Võ Hoài Khoa làm Giám đốc) mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Còn báo cáo đánh giá E-HSĐXTC; đề nghị thương thảo, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do Công ty CP tư vấn đầu tư TSG chịu trách nhiệm.
Theo thông tin tại Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, gói thầu gồm có: 1 máy CT Scanner (Model: TSX-037A (AQUILION START)/CANON/NHẬT) có giá trúng 10,38 tỷ đồng; Máy đo loãng xương (Model: MEDIX DR/MEDILINK/PHÁP) có giá trúng 1,75 tỷ đồng; Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim (Model: CUS – X200G (XARIO 200G)/CANON/NHẬT) có giá trúng: gần 2,7 tỷ đồng.
Gói thầu dự án cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị Trung tâm y tế TP. Phú Quốc có giá trị lớn và dưới hình thức “đấu thầu rộng rãi” nhưng một công ty tham gia, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước lại rất thấp chỉ 1%? Thiết bị tại gói thầu mà Công ty Nguyễn Tùng bán lại có giá cao hơn so với nhiều địa phương khác.
Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim (Model: CUS – X200G (XARIO 200G)/CANON/NHẬT) Sở Y tế Kiên Giang phải mua với giá là gần 2,7 tỷ đồng thì vào ngày 9/9/2021, Bệnh viện Hữu Nghị (Bộ Y tế) chỉ mua với giá gần hơn 1,48 tỷ đồng.
Tiếp đến là máy CT Scanner (Model: TSX-037A (AQUILION START)/CANON/NHẬT) Sở Y tế Kiên Giang mua với giá là 10,38 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng loại máy này, vào ngày 2/11/2021, Bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM) lại chỉ mua đúng thiết bị (có trùng model, xuất xứ, nguồn gốc) với giá là 7,198 tỷ đồng.
Phụ kiện đi kèm khiến thiết bị y tế có giá chênh 4,4 tỷ đồng?
Trao đổi lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phú Quốc (Ban Quản lý) cho biết, dự án cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị Trung tâm y tế thành phố Phú Quốc Ban Quản lý dự án không làm từ đầu, giao ở giai đoạn đấu thầu thì bên Ban Quản lý làm từ thời điểm này.
“Bước ban đầu từ khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hợp đồng với đơn vị tư vấn, lập báo cáo khả thi… là Ban Quản lý chưa tham dự, khi xong hết các quy trình chúng tôi mới tham gia ở giai đoạn đấu thầu, mở thầu, vì thế phần giá của thiết bị, Ban Quản lý trả lời không được, điều này Sở Y tế Kiên Giang sẽ trả lời” - vị lãnh đạo Ban Quản lý nói.
Lãnh đạo Ban Quản lý cho biết thêm, qua kiểm tra thì các thiết bị trong gói thầu thì thiết bị các đơn vị khác mua sắm với phần mềm không tích hợp và đời máy không giống 100% và phụ kiện đi kèm. Điểm nữa là việc bàn giao công nghệ, vận chuyển thiết bị, khi mua ở TP.HCM vận chuyển sẽ rẻ hơn chuyển về thành phố Phú Quốc.
Liên hệ với lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang thì lãnh đạo Sở Y tế cho biết, các thông tin về dự án cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị Trung tâm y tế thành phố Phú Quốc làm việc với Ban Quản lý!
Câu chuyện về giá thiết bị y tế cao hơn nhiều so với nơi khác, nhà thầu (hoặc bên mời thầu) sẽ nêu lý do như: có thêm linh phụ kiện đi kèm, thêm phần mềm bên trong, thêm thời gian bảo hành, bảo trì, đào tạo, truyền thông... nên làm tăng giá thành đầu vào thiết bị. Điều này không mới.
Tuy nhiên, theo Nghị định 98/2021 của Chính phủ quy định về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ 1/1/2022 thì các chủ sở hữu trang thiết bị y tế (gồm tổ chức, cá nhân cung cấp trang thiết bị y tế bằng tên riêng của mình hoặc bằng bất kỳ nhãn hiệu, thiết kế, tên thương mại...) phải kê khai và công khai giá.
Nội dung kê khai gồm giá vốn nhập khẩu đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu, hoặc chi phí sản xuất đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; lợi nhuận dự kiến; giá bán tối đa tương ứng với từng cấu hình, tính năng kỹ thuật theo đơn vị tính; giá linh kiện, phụ kiện (nếu có); chi phí bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì, đào tạo... Do đó, nếu thực hiện đúng theo Nghị định này thì doanh nghiệp khó có thể “lách luật” để kê vống, thổi giá nhằm trục lợi, chia chác được.
Thông tin về gói thầu “dự án cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị Trung tâm y tế thành phố Phú Quốc” cần được công khai rõ các thông tin về phụ kiện đi kèm, để minh bạch và làm rõ hàng tỷ đồng tiền chênh lệch mua thiết bị y tế có thực sự thuyết phục và thỏa đáng. VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin./.